Đang xử lý.....

Xây dựng, củng cố nền tảng cho Chuyển đổi số để phát triển các dịch vụ thông minh – Hướng đến Xã hội 5.0 của Nhật Bản (phần 3)  

Thứ Ba, 17/12/2024 12
|

Năng lực về công nghệ và yếu tố con người trong các khu vực công, tư và công dân

Quá trình tạo ra kiến thức hoặc giá trị đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây với những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng như toàn cầu hóa và thay đổi giá trị của con người. Một kỷ nguyên chuyển đổi lớn đã đến, nơi mà cách thức vận hành của xã hội, nền kinh tế đang diễn ra và tái cấu trúc dự kiến sẽ trải qua sự thay đổi nhanh chóng. Đầu năm 2023, Chính phủ Nhật Bản đã dẫn đầu thế giới trong việc công bố tầm nhìn về một “Xã hội siêu thông minh” dựa trên “Xã hội 5.0” nơi các vấn đề trong xã hội được giải quyết và các giá trị mới được tạo ra để thích ứng với những thay đổi như vậy, dẫn đến một lối sống thịnh vượng cho tất cả mọi người. Để làm được điều này, yếu tố Năng lực về công nghệ và Yếu tố con người trong các khu vực công, tư và công dân chiếm vai trò chủ đạo

Thành công của bất kỳ sáng kiến chuyển đổi số nào cũng phụ thuộc vào năng lực và kỹ năng của cá nhân trên các lĩnh vực khác nhau của xã hội. Các tổ chức và chính phủ cần phải đầu tư bồi dưỡng lực lượng lao động có năng lực số, trong khi đó người dân cần chủ động định hình bối cảnh số với trọng tâm là các cân nhắc về mặt xã hội. Những nỗ lực như vậy không chỉ hỗ trợ thành công về mặt công nghệ mà còn trao quyền cho cá nhân để cùng sáng tạo các giải pháp và quản lý sự thay đổi trong một thế giới số hóa ngày càng lớn.

Trong kỷ nguyên số, các tổ chức có thể đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách đầu tư vào việc bồi dưỡng kỹ năng số trong lực lượng lao động của mình và thu hút nhân tài. Nâng cao kỹ năng bao gồm việc trang bị cho nhân viên hiện tại những chuyên môn cần thiết để thành công trong kỷ nguyên số thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo và triển khai các khóa học trực tuyến bao gồm các công nghệ mới nổi, phân tích dữ liệu, AI, ... Bên cạnh đó, việc thu hút những tài năng số mới đòi hỏi phải cung cấp các cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn phù hợp với nguyện vọng của những cá nhân am hiểu công nghệ.

Tại Nhật Bản, nhiều công ty phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp bên ngoài, đặc biệt là các nhà tích hợp hệ thống (SIers), cho hệ thống kỹ thuật nội bộ công nghệ thông tin của họ. Theo Cơ quan Xúc tiến Công nghệ thông tin Nhật Bản (Japan’s Information-technology Promotion Agency - IPA), các quốc gia như Hoa Kỳ có gần 70% kỹ sư công nghệ thông tin được các công ty người dùng tuyển dụng, trong khi Nhật Bản lại có tình hình ngược lại, với chưa đến 30% kỹ sư công nghệ thông tin được tuyển dụng trực tiếp bởi các công ty người dùng. Do đó, các công ty thường gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân tài kỹ thuật số nội bộ để thúc đẩy các sáng kiến. Hơn nữa, các công ty truyền thống của Nhật Bản có tính cởi mở, di động tương đối thấp đối với nhân tài bên ngoài Nhật Bản. Với đăc tính với nhiều nhân viên là những người làm việc lâu năm trong tổ chức, xu hướng thủ cựu phổ biến là nhấn mạnh, mạnh mẽ vào các thành tích trong quá khứ của công ty thay vì khám phá các khả năng đổi mới. Để giải quyết tình hình, một sáng kiến phát triển nhân tài kỹ thuật số mới đã được bắt đầu. Các bước cơ bản như đào tạo nhân viên ở các cấp bậc khác nhau, cùng hợp tác với các kỹ năng khác nhau để tự trở thành nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật nội bộ nhằm giải quyết vấn đề nội bộ, được chính quyền thành phố Kitakyushu vận dụng khá hiệu quả.

Kitakyushu, một thành phố nằm ở Tỉnh Fukuoka với một triệu công dân, đã nhận ra những thách thức trên và đã thực hiện các biện pháp chủ động. Thành phố đã thành lập Bộ phận để thúc đẩy Tòa thị chính kỹ thuật số vào năm 2020, sau đó là Văn phòng thúc đẩy Tòa thị chính kỹ thuật số vào năm 2021. Kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số của Thành phố Kitakyushu nhằm mục đích biến Kitakyushu thành một Thành phố thông minh, hạnh phúc, cuộc sống trở nên tiện lợi và thú vị thông qua các phương tiện kỹ thuật số. Cốt lõi của kế hoạch này ưu tiên bảo đảm và phát triển nhân tài kỹ thuật số một cách có hệ thống trên cả khu vực công và tư nhân, bao gồm các sáng kiến như đào tạo nhân viên sử dụng các công cụ mã nguồn thấp - phần mềm yêu cầu mã hóa tối thiểu để xây dựng các ứng dụng - cung cấp đào tạo chuyển đổi số cho các cấp bậc khác nhau và thúc đẩy môi trường làm việc từ xa thân thiện thông qua đào tạo cho tất cả các nhà quản lý.

Ngoài ra, Thành phố Kitakyushu đã phát triển quan hệ đối tác với Cybozu, một công ty phần mềm, tiến hành đào tạo thực hành trên nền tảng giải pháp đám mây của họ. Quan hệ đối tác này cho phép nhân viên chính phủ phát triển các hệ thống nội bộ để cải thiện quy trình tại nơi làm việc tương ứng của họ. Những thành tựu của Thành phố Kitakyushu trong phát triển tài năng số đã giành được Giải thưởng Nikkei Municipal DX đầu tiên vào năm 2022 và Giải thưởng của Thủ tướng tại Giải vô địch quốc gia mùa hè DIGIDEN Koshien được tổ chức cùng năm.

Người dùng cuối có thể trở thành những người đóng góp và đồng sáng tạo tích cực trong hành trình chuyển đổi số, vượt qua vai trò truyền thống của họ là người sử dụng dịch vụ. Do đó, sự tham gia của người dân trong kỷ nguyên số không chỉ dừng lại ở việc nâng cao hiểu biết, kỹ năng số; mà còn là trao quyền để họ tích cực đóng góp vào các sáng kiến có tác động trực tiếp đến cuộc sống của chính họ. Công nghệ số cung cấp và mở rộng nền tảng cho sự tham gia của công dân, tạo điều kiện cho việc giao tiếp trực tiếp giữa chính phủ, tổ chức và công dân. Chính phủ có thể sử dụng các kênh kỹ thuật số này để tìm kiếm ý kiến đóng góp ý kiến về các chính sách và chương trình. Tương tự như vậy, khu vực tư nhân cũng thu hút khách hàng vào quá trình thiết kế sản phẩm và dịch vụ, tạo ra các giải pháp phù hợp chặt chẽ với nhu cầu của họ.

Thành phố Matsuyama là một ví dụ diển hình về trao quyền cho người dân cùng sáng tạo ra các giải pháp, trong đó chính phủ tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa nhà cung cấp giải pháp của khu vực tư nhân, học viện và cư dân địa phương để cùng nhau sáng tạo các giải pháp mới phù hợp với tất cả các bên. Dự án ‘Đổi mới môi trường sống’, một nền tảng thử nghiệm tận dụng nhiều dữ liệu khác nhau, bao gồm dòng người, lưu lượng giao thông và hành vi mua sắm, để nâng cao dịch vụ tiện ích thông minh và cơ sở hạ tầng vật chất của thành phố. Phân tích dữ liệu hành vi của người dân từ nhiều chiều tạo ra góc nhìn toàn diện về những thách thức và giải pháp tiềm năng của thành phố. Cách tiếp cận hướng đến người dân này đối với quá trình phát triển thành phố tích cực thu hút người dân, chính quyền địa phương, trường đại học và doanh nghiệp tham gia vào quá trình lập kế hoạch, thúc đẩy ý thức trách nhiệm chung và quyền sở hữu trong quá trình phát triển của thành phố.

Công nghệ mô phỏng Cyber-PoC (Bằng chứng khái niệm). Viết tắt của Proof of Concept, PoC là công cụ mô phỏng các hiệu ứng của dự án hoặc tính khả thi của một ý tưởng. Đây là một quy trình được thực hiện trước khi các nguyên mẫu chức năng được xác minh. Trong xây dựng, phát triển thành phố hướng tới thành phố thông minh, sự đồng thuận của các bên liên quan là điều kiện quan trọng trong kế hoạch phát triển đô thị đó, Tập đoàn Hitachi đã tiến hành nghiên cứu phát triển và chạy các mô phỏng kỹ thuật số về các bằng chứng khái niệm – Cyber PoC để chia sẻ hiểu biết về tình hình và mô phỏng các hiệu ứng của một thành phố để xác định về một tầm nhìn chung cho một đô thị.

 

Hình 1. Quy hoạch đô thị dựa trên dữ liệu

Dự án Đổi mới Habitat của Thành phố Matsuyama hướng đến mục tiêu tiến xa hơn nữa trong quy hoạch đường phố cách sử dụng dữ liệu từ các lĩnh vực khác nhau như đo lường dòng người, lưu lượng giao thông và hành vi của người tiêu dùng. Dựa trên khái niệm “Quy hoạch đô thị dựa trên dữ liệu”, dự án hướng đến việc soạn thảo các quy hoạch đô thị dựa trên dữ liệu về hành vi của cư dân thành phố nhằm khắc phục khó khăn của quy hoạch đô thị trước đây trong việc đưa ra các giải pháp hiệu quả xuất phát từ mối quan hệ xã hội phức tạp cùng với nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết.

Dựa trên dữ liệu do cư dân thành phố cung cấp, công cụ này thay đổi các thông số khác nhau để mô phỏng tác động của việc đưa cơ sở hạ tầng, tiện ích và các dịch vụ mới khác vào sử dụng. Bên cạnh đó, giao diện người dùng của Cyber-PoC có thể cung cấp hình ảnh trực quan dưới dạng bản đồ thành phố, một định dạng mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu cho phép những người không có kiến ​​thức chuyên môn chia sẻ ý tưởng và khái niệm hóa cho các kế hoạch đô thị, giúp thành phố có thể mô hình hóa tác động của các giải pháp đô thị tiềm năng và trực quan hóa kết quả của các kịch bản khác nhau.

Với mục tiêu là khôi phục một khu mua sắm, ví dụ, công cụ này sẽ cho phép một nhóm: (1) chia sẻ hiểu biết về tình hình hiện tại và các thách thức: trực quan hóa dữ liệu hữu ích để nắm bắt tình hình hiện tại, chẳng hạn như dòng người vào và xung quanh khu mua sắm; (2) hình dung tương lai của cộng đồng: thảo luận về các sáng kiến ​​trong khi phác thảo phương tiện giao thông mới đến khu vực và đặt các cơ sở trên bản đồ; và (3) ước tính và so sánh các hiệu ứng: so sánh các sáng kiến ​​bằng cách mô phỏng việc triển khai chúng và ước tính những thay đổi trong việc di chuyển của mọi người, sự thuận tiện khi mua sắm, lợi nhuận của khu vực và sức sống của cộng đồng. Thậm chí có thể giới thiệu các phương thức giao thông công cộng mới, trạm cho thuê xe đạp hoặc cơ sở đỗ xe có thể mở rộng phạm vi di chuyển của khách du lịch…

Ngoài việc công cụ Cyber-PoC có thể nhanh chóng thực hiện một loạt các quy trình kỹ thuật số, nhưng phần quan trọng của tất cả những điều này là công cụ cho phép mọi người ở các vị trí khác nhau đạt được sự hiểu biết lẫn nhau. Không chỉ các tác động của mỗi quyết định được trực quan hóa để tất cả mọi người đều thấy, mà mọi người trong nhóm đều tự suy nghĩ và đạt được sự đồng cảm thông qua các cuộc thảo luận có cân nhắc đến quan điểm của người khác.

Người dân sẽ được giải thích và đào tạo để hiểu kết quả từ công cụ mô hình hóa và trực quan hóa. Điều này góp phần vào các cuộc thảo luận giữa các chuyên gia đô thị và công chúng nói chung, xây dựng các kế hoạch và chính sách phát triển đô thị với phản hồi từ những công dân hiểu biết hơn.

Trường hợp Thành phố Matsuyama và Thành phố Kitakyushu là trường hợp điển hình được giới thiệu đều có đặc điểm chung tự mình đã thiết kế ra một cơ chế để khai thác khả năng tư duy độc lập của cư dân thành phố trong quá trình tham gia vào xây dựng và phát triển thành phố thông minh, thúc đẩy vai trò của người dân tham gia với tư cách là thành viên của thành phố. Điều này sẽ tạo ra một vòng tròn lành mạnh để nâng cao hơn nữa sức hấp dẫn của đô thị và tạo ra giá trị mới.

Lời kết

Loạt bài bài viết bao gồm ba phần trình bày quá trình chuyển đổi số với các phương pháp tiếp cận dựa trên: (1) dữ liệu đang thu thập và phân tích dữ liệu từ thành phố và cư dân của thành phố, sử dụng dữ liệu đó để thúc đẩy cải thiện quy hoạch, hoạt động đô thị và cung cấp các dịch vụ thông minh; (2) Cơ sở hạ tầng số có tiềm năng thúc đẩy sự xuất hiện và phổ biến của các ứng dụng - dịch vụ thông minh trên nhiều khía cạnh của cuộc sống như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thương mại điện tử… cho đến các dịch vụ công của chính phủ, phục vụ người dân, các cơ quan công quyền và xã hội nói chung; (3) Các yếu tố của thể chế hỗ trợ xây dựng, củng cố nền tảng cho Chuyển đổi số để phát triển các dịch vụ thông minh; (4) Năng lực về công nghệ và yếu tố con người trong các khu vực công, tư và công dân để phát triển các dịch vụ thông minh – thành phố thông minh hướng đến “Xã hội 5.0” và làm tiền đề cho tầm nhìn về một “Xã hội siêu thông minh” của Nhật Bản.

Toàn bộ quá trình này đồng thời giải quyết các điểm nghẽn về kinh tế, các thách thức xã hội dân số già hóa, tỷ lệ sinh thấp và quá trình đô thị hóa đang diễn ra… Hướng tới mục tiêu tận dụng khoa học, công nghệ và đổi mới để thúc đẩy một tương lai bền vững, toàn diện. “Xã hội 5.0” vượt qua các ranh giới thông thường nhấn mạnh mạnh vào phúc lợi xã hội và tính bền vững của môi trường, hướng đến mục tiêu tạo ra một xã hội siêu thông minh coi trọng tính toàn diện, sức khỏe và phát triển cân bằng. Các nguyên tắc và chiến lược của “Xã hội 5.0” đưa ra một bản thiết kế đầy hứa hẹn cho các quốc gia khác đang nỗ lực đạt được một xã hội toàn cầu bền vững và công bằng.

Trường hợp của Việt Nam được bắt đầu từ năm 2004 đến nay đã trải qua 20 năm của quá trình chuyển đổi số và 5 năm phát triển đô thị thông minh. Mục tiêu của Đề án 950 nhằm phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Đồng thời, xây dựng phát triển đô thị thông minh cũng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, các địa phương Việt Nam đang chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực nhằm góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền địa phương nơi đó… Có thể nói, xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh đô thị hóa và chuyển đổi số một cách mạnh mẽ như hiện nay là một trong những giải pháp giúp sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Người thực hiên

Lê Việt Hưng

Phòng Dịch vụ số

Tài liệu tham khảo:

https://www.necolico.co.jp.mcas.ms/news/2023/02/27/release/post-2062

https://www.habitatinnovation.com.au/

https://www.ht-lab.ducr.u-tokyo.ac.jp/en/summary-en/

https://social-innovation.hitachi/ja-jp/case_studies/hitachi_todai_labo/

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1768
    • Khách Khách 1766
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3891411