Đang xử lý.....

Xây dựng, củng cố nền tảng cho Chuyển đổi số để phát triển các dịch vụ thông minh – Hướng đến Xã hội 5.0 của Nhật Bản (phần 2)  

Thứ Ba, 17/12/2024 11
|

Các yếu tố hỗ trợ của thể chế xây dựng, củng cố nền tảng cho Chuyển đổi số để phát triển các dịch vụ thông minh

Việc thúc đẩy chương trình, chiến lược phát triển kỹ thuật số có thể được đẩy nhanh đáng kể bằng cách thiết lập các yếu tố hỗ trợ chính từ thể chế. Các biện pháp bảo vệ kỹ thuật số mạnh mẽ nâng cao lòng tin và tính bảo mật của các ứng dụng kỹ thuật số cùng với các chính sách và ưu đãi hiệu quả đảm bảo cung cấp hỗ trợ quan trọng trong việc điều hướng các thách thức của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Tầm nhìn kịp thời đóng vai trò then chốt trong việc liên kết các sáng kiến phát triển kỹ thuật số với các xu hướng mới nhất và những thay đổi về công nghệ, cho phép các xã hội tận dụng những tiến bộ này để mang lại lợi ích lớn hơn.

Bảo vệ dữ liệu số: Quyền riêng tư, bảo vệ và an ninh mạng dữ liệu

Khi dữ liệu trở thành tài sản chiến lược, các khía cạnh đạo đức và pháp lý của quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu sẽ trở thành trọng tâm. Nhật Bản, cùng với các quốc gia như Singapore, Canada và Hà Lan, nổi bật là một trong số ít nền kinh tế đã áp dụng thành công mô hình mà trải nghiệm kỹ thuật số an toàn và liền mạch, tăng cường người tiêu dùng tham gia và nuôi dưỡng hệ sinh thái kỹ thuật số năng động, đồng thời tạo ra nhiều dữ liệu hơn và cho phép một chu kỳ tăng trưởng lành mạnh. Vào năm 2019, Nhật Bản đã đề xuất khái niệm có tầm nhìn xa về Dòng dữ liệu tự do với sự tin cậy (Data Free Flow with Trust - DFFT) tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Khái niệm này ủng hộ sự kết hợp hài hòa giữa các luồng dữ liệu mở và bảo vệ quyền riêng tư mạnh mẽ được cộng đồng quốc tế đón nhận nồng nhiệt. Khái niệm DFFT đã được đưa vào chương trình hoạt động tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2023 với việc thành lập Thỏa thuận hợp tác giữa các thể chế.

Hành trình bảo vệ dữ liệu của Nhật Bản bắt đầu từ khoảng 20 năm trước. Đạo luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân (Act on Protection of Personal Information - APPI) ban đầu tại Nhật Bản, được ban hành vào năm 2003, với phạm vi áp dụng cho các doanh nghiệp có cơ sở dữ liệu chứa thông tin cá nhân của ít nhất 5.000 cá nhân có thể xác định được. Để thích ứng với bối cảnh đang có nhiều mối quan ngại về quyền riêng tư, chính phủ Nhật Bản đã có động thái chủ động để cập nhật quy định. Vào năm 2021, các sửa đổi đã được thực hiện để mở rộng phạm vi của Đạo luật này không chỉ bao gồm các doanh nghiệp mà còn bao gồm các cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận và cá nhân. Các thực thể và cá nhân muốn thu thập thông tin cá nhân sẽ cần phải có được sự đồng ý của cá nhân trước khi thu thập, sử dụng hoặc chia sẻ thông tin đó nếu thông tin đó nhạy cảm hoặc được chuyển cho bên thứ ba hoặc bên ngoài Nhật Bản. Đạo luật cũng đã sửa đổi quy định nhiều loại dữ liệu cá nhân, bao gồm tên, địa chỉ, email và thông tin sức khỏe, củng cố các hoạt động bảo vệ và quyền riêng tư dữ liệu mạnh mẽ.

Khu vực tư nhân thường phải đối mặt với những thách thức trong việc thiết lập cấu trúc quản trị dữ liệu. Để ứng phó với những thách thức như vậy, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) đã xuất bản Sổ tay hướng dẫn quản trị quyền riêng tư cho khu vực tư nhân, cung cấp thông tin chi tiết để điều hướng cấu trúc phức tạp của quản trị dữ liệu, giao thức bảo mật và quy định về quyền riêng tư. Các công ty hàng đầu, như KDDI Corporation, một nhà khai thác viễn thông lớn của Nhật Bản, đã thành lập một văn phòng chuyên quản trị dữ liệu - tập trung tích hợp các chức năng liên quan đến việc quản lý và vận hành việc sử dụng dữ liệu cá nhân trong tổ chức, tuân theo các nguyên tắc được nêu trong sổ tay hướng dẫn của METI. Đối với những hạn chế khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), METI thực hiện các bước chủ động bằng cách công bố Bộ quy tắc quản trị kỹ thuật số cung cấp hướng dẫn thực hành và tài liệu phù hợp, nhằm mục đích cung cấp hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong những bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi số.

Khả năng kết nối của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại ngày càng tăng tỷ lệ thuận với rủi ro về an ninh mạng. Các giải pháp kỹ thuật số trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động, mối đe dọa từ các cuộc tấn công mạng, từ vi phạm dữ liệu đến các cuộc tấn công bằng phần mềm tống tiền với hậu quả nghiêm trọng. Các xã hội và tổ chức sẽ cần triển khai các biện pháp an ninh mạng mạnh mẽ để bảo vệ tài sản kỹ thuật số, bao gồm các chiến lược như: tường lửa, hệ thống phát hiện xâm nhập và giao thức mã hóa… Ngoài ra, việc thúc đẩy văn hóa nhận thức về an ninh mạng là rất quan trọng để ngăn ngừa và giảm thiểu các mối đe dọa tiềm ẩn.

Kể từ năm 2005, Chính sách an ninh mạng để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng (CIP) tại Nhật Bản đã đóng vai trò là kế hoạch hành động chung cho chính phủ và các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng. Chính phủ chịu trách nhiệm thúc đẩy các biện pháp độc lập của các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng liên quan đến an ninh mạng và thực hiện các biện pháp cần thiết khác. Trung tâm quốc gia ứng phó sự cố và chiến lược an ninh mạng (NISC), được thành lập vào năm 2015 (tiền thân là Trung tâm an ninh thông tin quốc gia từ năm 2005) hoạt động như một ban thư ký của Trụ sở chiến lược an ninh mạng.

Với nền tảng là Bộ Luật an ninh mạng do chính phủ Nhật Bản ban hành vào năm 2014, Trung tâm quốc gia ứng phó sự cố và chiến lược an ninh mạng đã hoạt động như một đầu mối trong việc điều phối các sáng kiến trong chính phủ và có quan hệ đối tác rộng với các bên liên quan khác bao gồm trong khu vực công và tư để tạo ra một “môi trường không gian mạng tự do, công bằng và an toàn”. Các chiến lược chính sách chính của Trung tâm có ba ưu tiên: (i) Tăng cường sức sống của kinh tế xã hội và phát triển bền vững bao gồm thúc đẩy hiểu biết về an ninh số; (ii) Hiện thực hóa một xã hội số nơi mọi người có thể sống an toàn và bảo mật bao gồm cả việc chuẩn bị và có sẵn các biện pháp ứng phó với các cuộc tấn công mạng lớn; và (iii) Góp phần vào hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế và an ninh quốc gia của Nhật Bản bao gồm các biện pháp tăng cường năng lực phòng thủ, răn đe và nhận thức tình

Để ứng phó với bối cảnh an ninh mạng ngày càng diễn biến khó lường và môi trường pháp lý luôn thay đổi nhanh chóng, một phiên bản mới Chính sách an ninh mạng để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng đã được cập nhật và ra đời vào năm 2022. Phiên bản cập nhật này xác định 14 lĩnh vực là cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm thông tin và truyền thông, dịch vụ tài chính, hàng không và điện. Chính sách cập nhật mới kỳ vọng các bên liên quan sẽ thực hiện năm biện pháp cụ thể, bao gồm tăng cường năng lực ứng phó sự cố, duy trì và thúc đẩy các nguyên tắc an toàn, tăng cường hệ thống chia sẻ thông tin, sử dụng – tăng cường quản lý rủi ro dựa trên cơ sở của Chính sách an ninh mạng để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.

Có thể nnói, Nhật Bản đã thiết lập nền tảng vững chắc cho an ninh mạng dựa trên các chính sách và biện pháp tích lũy trong hai thập kỷ qua. Theo Chỉ số an ninh mạng toàn cầu năm 2020 do Liên minh viễn thông quốc tế công bố, Nhật Bản đứng thứ bảy trên thế giới về không gian mạng an toàn và bảo mật.

Xã hội 5.0 - Tận dụng công nghệ để nâng cao phúc lợi của người dân

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra khái niệm Xã hội 5.0 vào năm 2016, hình dung về một xã hội mà cả nền kinh tế phát triển và các vấn đề xã hội được giải quyết một cách cân bằng thông qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến. Bắt nguồn từ quá trình tiến hóa của xã hội loài người từ 1.0 (săn bắn), 2.0 (nông nghiệp), 3.0 (công nghiệp) và 4.0 (thông tin), Xã hội 5.0 sẽ là một xã hội lấy con người làm trung tâm, nơi các lĩnh vực mạng và vật lý tương tác lẫn nhau, thúc đẩy sự hợp tác trên toàn xã hội để nâng cao phúc lợi của người dân.

Trong hành trình chuyển đổi số của Nhật Bản, xây dựng một tầm nhìn như Xã hội 5.0 là điều kịp thời và cần thiết. Vì nền kinh tế của Nhật Bản dựa nhiều hơn vào ngành công nghiệp thông thường, nên việc chuyển sang các lĩnh vực liên quan đến dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), robot sẽ tạo ra những tiềm năng lớn hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Hơn nữa, Nhật Bản đang phải vật lộn với những thách thức của xã hội, bao gồm dân số già hóa, lực lượng lao động suy giảm và chất lượng cuộc sống trì trệ. Một cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số, như được đề xuất bởi Xã hội 5.0, có vị thế tốt để giải quyết những thách thức đó với tác động chuyển đổi của công nghệ số

Xã hội 5.0 là tầm nhìn do chính phủ Nhật Bản xây dựng, là mục tiêu hướng tới cho xã hội tương lai vào năm 2030 và những năm sau đó. Khái niệm này lần đầu tiên được Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) ủng hộ và được thông qua trong Kế hoạch Khoa học và Công nghệ Cơ bản lần thứ 5 như một xã hội tương lai mà Nhật Bản nên hướng tới.

 

Hình 1. Xã hội 5.0 Nhật Bản

Trong xã hội thông tin trước đó (Xã hội 4.0), việc chỉ chia sẻ kiến thức và thông tin theo chiều ngang là không đủ và sự hợp tác còn hạn chế. Các yếu tố như tuổi tác và trình độ học vấn ngày càng hạn chế khả năng sử dụng tính đầy đủ dữ liệu và thông tin. Ngoài ra, những thách thức của xã hội như tỷ lệ sinh giảm, dân số già hóa và tình trạng suy giảm dân số cục bộ khiến việc ứng phó với các vấn đề mới nổi trở nên khó khăn.

Xã hội 5.0 hướng đến mục tiêu đạt được một xã hội hướng tới tương lai, vượt qua tình trạng trì trệ hiện tại và thúc đẩy một xã hội đặc trưng bởi sự tôn trọng lẫn nhau giữa tất cả các thành viên, vượt qua khoảng cách thế hệ. Một đặc điểm khác của Xã hội 5.0 nằm ở sự hội tụ của không gian mạng và không gian vật lý. Ví dụ, các cảm biến trong không gian vật lý tạo ra lượng dữ liệu lớn, sau đó có thể được tích lũy và phân tích trong không gian mạng bằng các công cụ kỹ thuật số như AI. Những hiểu biết từ quá trình phân tích có thể được cung cấp lại cho cá nhân thông qua nhiều phương tiện khác nhau.

Khác với cách thu thập dữ liệu thông thường thông qua cảm biến và mạng lưới và để con người phân tích, Xã hội 5.0 sẽ tích hợp con người, vật thể và hệ thống trong không gian mạng. Các kết quả tối ưu thu được bằng phân tích tích hợp và AI sẽ vượt qua khả năng của con người, sau đó được chuyển thành các hành động hữu hình trong không gian vật lý. Quá trình này sẽ mang lại giá trị mới chưa từng có cho ngành công nghiệp và xã hội.

Tầm nhìn của Xã hội 5.0 đòi hỏi sự chấp nhận rộng rãi và hiểu biết chung giữa các bên liên quan, bao gồm chính quyền trung ương và địa phương, các bên tham gia trong ngành, các tổ chức học thuật và cư dân. Khi thế giới trải qua những thay đổi đáng kể được thúc đẩy bởi các công nghệ như IoT, robot, AI và dữ liệu lớn, Nhật Bản theo đuổi Xã hội 5.0 tìm cách kết hợp các công nghệ mới này vào tất cả các ngành công nghiệp và hoạt động xã hội, hướng đến mục tiêu đạt được sự phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội cùng một lúc. Xã hội 5.0 không chỉ là một sáng kiến quốc gia mà còn là một mô hình mà các quốc gia khác có thể xem xét khi họ hình dung về tương lai kỹ thuật số của riêng mình.

(Còn tiếp phần 3)

Người thực hiện

Lê Việt Hưng

Phòng Dịch vụ số

Tài liệu tham khảo

Japan Digital Agency’s webpage of Data Free Flow with Trust, https://www.digital.go.jp/en/dfft-en

  Digital Governance Code published by Japan’s Ministry of Economy, Trade and Industry, https://www.meti.go.jp/shingikai/mono_info_ service/dgs5/pdf/20201109

https://medium.com/tokyo-fintech/japans-2025-digital-cliff-48dbb838fb27

  Overview of cybersecurity policies for critical infrastructure protection, published by Japan’s National Center for Incident Readiness and Strategy for Cybersecurity, https://www.nisc.go.jp/eng/pdf/cip_policy_abst_2022_eng.pdf

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1880
    • Khách Khách 1878
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3891523