Sự hội tụ của công nghệ với các cải tiến về quy trình, chính sách, lực lượng lao động và quy định của chính phủ các quốc gia đang cho phép các hoạt động cung cấp dịch vụ công và cải cách hoạt động hành chính được tăng lên đáng kể. Trên toàn cầu đang cho thấy những dấu hiệu của một sự chuyển đổi, một thời điểm mang tính bản lề để cải thiện toàn diện trong việc cung cấp dịch vụ công và hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước các nước
Hoạt động của các cơ quan nhà nước trên thế giới từ trước tới nay được coi là chậm chạp, quan liêu và sợ rủi ro. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, quan niệm này đã được thay đổi, một cuộc rà soát toàn cầu về xu hướng của chính phủ đã cho thấy sự biến chuyển rõ rệt. Theo báo cáo của công ty kiểm toán Deloitte đã xác định được hơn 200 trường hợp trên toàn thế giới có biểu hiện rõ nét về sự chuyển đổi triệt để, trong đó các cơ quan chính phủ đã đạt được bước nhảy vọt, mang lại sự cải thiện gấp 10 lần trên nhiều lĩnh vực, từ hiệu quả hoạt động đến trải nghiệm của người dân qua các thủ tục hành chính cho đến kết quả hoạt động hành chính nội bộ.
“Chính phủ 10x” về hoạt động của Chính phủ là gì?
Đây là một sự thay đổi lớn, giảm chi phí gấp mười lần hoặc cắt giảm thời gian xử lý các thủ tục tới 90%. Nhưng rộng hơn, đó là sự cải thiện mang tính vô hình trải nghiệm của người dân được cải thiện đáng kể, mặc dù không có sự định lượng chính xác nhưng vẫn thể hiện sự cải thiện rõ rệt.
Vậy, điều gì khiến báo cáo nghiên cứu của Deloitte về hoạt động của Chính phủ mạnh dạn tuyên bố “Chính phủ 10x” là xu hướng quyết định của năm 2024?
Đầu tiên, các ví dụ thực tế đang xuất hiện trên toàn cầu cho thấy những trường hợp cải thiện đáng kể. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra của các chính phủ bao gồm quy trình làm việc được số hóa, ứng dụng dữ liệu, phần mềm dựa trên đám mây và việc sử dụng phân tích dự đoán đang trở nên phổ dụng, v.v. Các hoạt động này đã diễn ra trong hơn hai thập kỷ đã đặt nền tảng vững chắc cho sự xuất hiện của các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm AI tạo sinh.
Về bản chất, “Chính phủ 10x” là về sự hội tụ và điều phối sự tương tác hài hòa giữa công nghệ, quy trình, đổi mới chính sách, lực lượng lao động và các thay đổi về quy định để tạo ra những kết quả mạnh mẽ. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra đã tạo tiền đề cho những thay đổi đáng kể. Ví dụ Telehealth là cuộc cách mạng hóa khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe và điện toán đám mây mang lại cho các chính phủ khả năng chăm sóc người dân không thể tưởng tượng trước được.
Hiện nay, chúng ta đang ở một điểm xuất phát khác trong hành trình chuyển đổi số. Đó là cuộc cách mạng AI. Nhiều chính phủ đang sử dụng AI để phát hiện gian lận, giảm chi phí, cải thiện trải nghiệm của người dân và hợp lý hóa quy trình. Nhìn chung, việc sử dụng AI thành công đã được xây dựng trên cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ. Không phải tất cả các chính phủ đều đạt được nền tảng kỹ thuật số vững chắc nhưng đối với những chính phủ đã đạt được thì khả năng cải thiện gấp 10 lần là có thể thành hiện thực - và trong một số trường hợp, đã trở thành hiện thực.
Nhưng công nghệ đơn lẻ sẽ không đủ. Sự chuyển đổi thực sự đòi hỏi sự kết hợp giữa tiến bộ công nghệ với những đổi mới trong hoạt động nghiệp vụ, thiết kế lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy sự thay đổi hành vi và sự hợp tác đột phá giữa các ngành, cho phép các cơ quan tận dụng đầu tư, quy mô và công nghệ của khu vực tư nhân.
Xu hướng Chính phủ 2024: Theo Deloitte, Chính phủ số sẽ tập trung vào những bước nhảy vọt về hiệu suất của khu vực công. Ví dụ: tại Mỹ, mức giảm 64% tình trạng vô gia cư của Houston kể từ năm 2011 là đáng kinh ngạc. Sáng kiến Aadhaar của Ấn Độ về mã định danh duy nhất đang đẩy nhanh quá trình hòa nhập tài chính trong khoảng bốn thập kỷ, đưa 80% dân số vào hệ thống ngân hàng chính thức trong sáu năm so với thời gian dự kiến là 47 năm. Những ví dụ này là minh chứng cho sức mạnh biến đổi của sự hội tụ.
Sự hội tụ: Chìa khóa để thay đổi với tốc độ 10 lần
Tác động của sự đổi mới có thể được nhân lên khi một số cách tiếp cận mới được kết hợp lại với nhau. Sự hội tụ này có thể xảy ra thông qua chủ động hoặc bị động.
Về bối cảnh lịch sử. Sự hội tụ của các cải tiến giữa năm 1870 và 1970 đã mất nhiều thập kỷ để chuyển đổi năng lực sản xuất của loài người. Động cơ đốt trong, khai thác điện và dầu mỏ để tạo năng lượng, điện thoại và điện báo đã thay đổi thế giới. Nhưng, thường mất nhiều thập kỷ để những cải tiến này có tác động lớn và thường đòi hỏi những cải tiến bổ sung để mở rộng tác động. Bóng đèn được phát minh vào năm 1880, nhưng mãi đến Đạo luật Điện khí hóa Nông thôn năm 1936, điện mới được phân phối đến các vùng nông thôn ở Hoa Kỳ. Xe ô tô hiệu Ford Model T được đưa vào sản xuất tại Hoa Kỳ vào năm 1908, nhưng phải đến Đạo luật Đường cao tốc Liên tiểu bang năm 1956 thì tiềm năng chuyển đổi của ô tô mới hiện thực hóa.
Tuy nhiên, tác động kết hợp của internet, điện thoại thông minh và sức mạnh tính toán nói chung đã mang đến sự thay đổi mang tính chuyển đổi trong vòng chưa đầy 30 năm.
Chính điều này đã đặt tiền đề cho việc nâng cao năng lực của các chính phủ trong bối cảnh hiện tại. Dựa vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các chính phủ có thể sử dụng vô số công cụ và chiến lược mới để tạo ra tác động chuyển đổi. Sức mạnh nằm ở sự hội tụ hiệp lực: kết hợp các công cụ khác biệt để tạo ra thứ gì đó hoàn toàn mới.
Hãy xem xét sáng kiến Aadhaar của Ấn Độ đã đề cập trước đó, việc đẩy nhanh các nỗ lực hòa nhập tài chính của Ấn Độ. Thành tựu to lớn này sẽ không thể đạt được nếu không kết hợp các công cụ như Aadhaar (mã định danh kỹ thuật số của Ấn Độ dành cho công dân) và hệ thống thanh toán kỹ thuật số với quan hệ đối tác công tư, khuôn khổ chính sách và lập pháp hỗ trợ, và số hóa quy trình biết khách hàng thực tế. Các ngân hàng và công ty công nghệ tài chính đã giúp chính phủ bằng cách phát triển các dịch vụ sáng tạo trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Aadhaar để cải thiện hòa nhập tài chính. Hơn nữa, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (ngân hàng trung ương của Ấn Độ) đã mở đường cho việc sử dụng Aadhaar trong quy trình kết nối khách hàng vào năm 2013.
Công thức tăng cường sự hòa nhập tài chính của Ấn Độ: Nhận dạng kỹ thuật số + thanh toán kỹ thuật số + cải cách chính sách + quan hệ đối tác công tư (ngân hàng và công nghệ tài chính) + quy trình làm việc được thiết kế lại = Tăng tốc đáng kể các mục tiêu về hòa nhập tài chính
Trong khi đó, các nước châu Âu đã dành cả thập kỷ qua để thực hiện “Nguyên tắc chỉ một lần”, theo đó công dân và doanh nghiệp chia sẻ thông tin chỉ một lần với chính phủ. Điều này ước tính sẽ tiết kiệm được 855.000 giờ cho công dân và 11 tỷ euro cho doanh nghiệp mỗi năm.
Nguyên tắc chỉ một lần đòi hỏi phải tích hợp một loạt các công cụ và hoạt động cụ thể, bao gồm công nghệ và nền tảng chia sẻ dữ liệu, danh tính kỹ thuật số, tái cấu trúc quy trình làm việc, luật bảo mật dữ liệu và cung cấp tính hợp lệ pháp lý cho các tài liệu được chia sẻ. Sử dụng Nguyên tắc chỉ một lần, Áo đã giúp các bác sĩ, cơ sở chăm sóc, bệnh viện và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác dễ dàng truy cập thông tin bệnh nhân thông qua nền tảng dữ liệu, loại bỏ nhu cầu bệnh nhân phải chia sẻ bệnh sử của mình nhiều lần. Nguyên tắc tương tự giúp công dân ở Estonia nộp tờ khai thuế chỉ trong năm phút.
Nguyên tắc cung cấp dữ liệu một lần của liên minh Châu Âu: Nhận dạng kỹ thuật số + chia sẻ dữ liệu + quản trị chung + cải cách quy định và chính sách + nền tảng công nghệ + tư duy mạng lưới = Dịch vụ liền mạch
Sự hội tụ mang tính hiệp lực như vậy đang thúc đẩy các chính phủ cải thiện gấp 10 lần về công bằng, trải nghiệm của người dân, năng suất, khả năng phục hồi, đổi mới và tính linh hoạt - cho phép các chính phủ trên toàn thế giới tìm ra cơ hội để chuyển đổi các quy trình hiện tại và đạt được kết quả theo những cách hoàn toàn mới.
Tám xu hướng “Chính phủ 10x” chuyển đổi số chính phủ năm 2024
Theo nghiên cứu của Trung tâm Deloitte về Thông tin Chính phủ đã đề cập đến các xu hướng kết hợp các đặc điểm phát triển mới vẫn tiếp tục có liên quan cho đến năm nay.
Hình: các yếu tố cho chính phủ số
Một số xu hướng, chẳng hạn như chính phủ kỹ thuật số, đã tiến triển không đổi trong suốt những năm qua. Những xu hướng khác, chẳng hạn như công bằng và khả năng phục hồi, đã xuất hiện gần đây. Báo cáo năm 2024 xác định tám xu hướng chuyển đổi chính phủ, mỗi xu hướng đều thể hiện những cải thiện sâu sắc gấp 10 lần.
Một xu hướng được coi là xu hướng khi nó được quan sát ở nhiều cấp độ (liên bang, tiểu bang và thành phố) và nhiều vùng địa lý trên toàn cầu. Xu hướng không giới hạn ở một địa điểm duy nhất hoặc các thí điểm thử nghiệm; thay vào đó, nó thực sự phải đang nổi lên. Ngoài ra, để một điều gì đó được công nhận là xu hướng, nó phải có liên quan đến các chính phủ và nền kinh tế ở mọi quy mô.
Tám xu hướng này đang lan rộng khắp thế giới, từ các quốc gia nhỏ như Bồ Đào Nha và New Zealand đến các quốc gia lớn như Ấn Độ và Hoa Kỳ, chứng minh sức mạnh của sự hội tụ để thúc đẩy chính phủ phát triển gấp 10 lần.
(1) Chính phủ đang cải với tốc độ chóng mặt: Các nhà lãnh đạo chính phủ trên toàn thế giới đang thấy được lợi ích ngày càng lớn hơn của việc tăng tốc độ hoạt động. Bằng cách sử dụng các công nghệ mới cùng với các quy trình được thiết kế lại, chính phủ có thể cung cấp dịch vụ nhanh hơn với ít “ma sát” hơn mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Hiện nay, hàng loạt các cơ quan chính phủ trên toàn cầu đang đặt thách thức giả định khắc phục rằng các chính phủ thường hành động chậm chạp. Nhiều tiến bộ đáng chú ý gấp 10 lần mà Báo cáo mô tả là trong việc đẩy nhanh các quy trình của chính phủ và cung cấp dịch vụ, từ dịch vụ công đến cấp phép cho đến mua sắm công.
(2) Giải phóng năng suất trong chính phủ : Những tiến bộ trong AI, bao gồm AI tạo sinh đã tạo ra cơ hội để khởi động một kỷ nguyên mới về tăng năng suất trong khu vực công. Các chính phủ nên đảm bảo rằng họ có nền tảng vững chắc về năng lực số - bao gồm dữ liệu, điện toán đám mây và quy trình số - và sau đó thử nghiệm và mở rộng các ứng dụng AI mạnh mẽ.
Hiện nay, mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số, những tiến bộ trong AI, bao gồm AI tạo sinh, mang đến cơ hội cải thiện năng suất sâu sắc trong chính phủ trong một thập kỷ hoặc lâu hơn.
(3) Sự linh hoạt mới của chính phủ: Ngày nay, có vẻ như một cuộc khủng hoảng khó có thể qua đi trước khi cuộc khủng hoảng tiếp theo xảy ra. Trong kỷ nguyên thay đổi nhanh chóng, các nhà lãnh đạo chính phủ của các quốc gia đang nắm bắt được sự cấp thiết phải ứng phó nhanh nhẹn hơn. Nhiều chính phủ đang từ bỏ các quy trình truyền thống để chuyển sang các phương pháp tiếp cận linh hoạt đối với việc hoạch định chính sách, tài trợ, phát triển công nghệ và ra quyết định.
Hiện tại: Các chính phủ linh hoạt đang gia tăng trên toàn thế giới khi các cơ quan ngày càng sử dụng các phương pháp linh hoạt trong mua sắm, quản lý, hoạch định chính sách, triển khai lực lượng lao động, tài trợ và thậm chí xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất để đạt được sự thay đổi gấp 10 lần.
(4) Nuôi dưỡng hệ sinh thái để thúc đẩy đổi mới: Giải quyết những thách thức hiện đại thường đòi hỏi sự đổi mới ở quy mô mà chính phủ không thể tự mình đạt được. Do đó, các chính phủ đang vun đắp hệ sinh thái để giải quyết vấn đề trải dài trên khắp ngành công nghiệp, xã hội và khu vực công. Các chính phủ đang sắp xếp các ưu đãi để nuôi dưỡng các hệ sinh thái này và tạo ra các điều kiện khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Các nhà hoạch định chính sách có thể khuyến khích khu vực tư nhân và giúp thúc đẩy đổi mới của Chính phủ 10 lần thông qua trợ cấp, giảm thuế, tài trợ, nới lỏng quy định và chia sẻ kiến thức.
Tình hình hiện tại: Chính phủ trên toàn thế giới đang bắt đầu triển khai đầy đủ các công cụ để bắt đầu triển khai toàn bộ các công cụ không chỉ để tạo ra một sáng kiến mà còn thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái nhằm tạo ra sự đổi mới gấp 10 lần.
(5) Vượt qua ranh giới để chuyển đổi hiệu quả nhiệm vụ: Giải quyết những thách thức lớn thường vượt ra ngoài phạm vi của các cơ quan chính phủ riêng lẻ. Các giải pháp hiệu quả thường đòi hỏi những nỗ lực hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa nhiều cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân. Sử dụng cơ sở hạ tầng công nghệ và các biện pháp chính sách, các chính phủ đang giúp giải quyết một số vấn đề xã hội khó khăn nhất vượt qua ranh giới quyền hạn truyền thống.
Tình hình hiện tại: Các chính phủ ngày càng nhận ra rằng sự xuất sắc trong hợp tác xuyên biên giới chính là chìa khóa để đạt được sự cải thiện gấp 10 lần về kết quả nhiệm vụ.
(6) Yêu cầu cấp thiết về khả năng phục hồi của chính phủ: Các chính phủ đang vật lộn với thế giới 'đa khủng hoảng' ưu tiên xây dựng khả năng phục hồi trước nhiều mối đe dọa khác nhau, bao gồm xung đột toàn cầu, biến đổi khí hậu, cú sốc cung ứng, di cư tị nạn, tấn công mạng, v.v. Họ đang tăng cường năng lực hoạt động trong thời gian gián đoạn trong khi vẫn bảo vệ cộng đồng.
Tình hình hiện tại: Các chính phủ đang nâng cấp cơ sở hạ tầng quan trọng và triển khai các công nghệ mới nổi như AI và bản sao kỹ thuật số để hiểu sâu hơn về các thách thức và triển khai các biện pháp đối phó hiệu quả. Thành công phụ thuộc vào việc liên kết lợi ích của doanh nghiệp và chính phủ để thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa các ngành nhằm giải quyết các vấn đề.
(7) Vai trò của chính phủ trong việc mở rộng công bằng: Xây dựng tương lai công bằng thường đòi hỏi những thay đổi mang tính hệ thống và liên tục điều chỉnh các chính sách, quy định và dịch vụ để làm sự cân bằng và dễ tiếp cận hơn. Bằng cách tập trung vào ba phạm vi ảnh hưởng chính trong các tổ chức chính phủ -lực lượng lao động, hệ sinh thái nhà cung cấp, cộng đồng và xã hội, các chính phủ có thể giúp thúc đẩy công bằng trong và ngoài.
Hiện trạng: Các chính phủ đang thiết kế các chính sách toàn diện và các dịch vụ dễ tiếp cận cho công chúng, xây dựng lực lượng lao động khu vực công đa dạng trong tương lai và thu hút hệ sinh thái nhà cung cấp rộng lớn hơn để đạt được kết quả công bằng hơn.
(8) Cải thiện 10 lần trải nghiệm của khách hàng: Công nghệ số mang đến cơ hội cải thiện 10 lần trải nghiệm của khách hàng. Từ các doanh nghiệp nộp đơn xin cấp phép trực tuyến đến các cá nhân sử dụng định danh số để tiếp cận các chế độ phúc lợi, các dịch vụ số đang giúp chính phủ trở nên hiệu quả, không gây cản trở và được cá nhân hóa. Cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số như danh tính số, thanh toán số và nền tảng trao đổi dữ liệu có thể tạo ra một chính phủ chủ động, dự đoán được nhu cầu của công dân.
Tình hình hiện tại: Thông qua các chiến lược như cung cấp dịch vụ dựa trên dữ liệu về sự kiện cuộc sống, thiết kế lấy con người làm trung tâm và hệ thống đo lường trải nghiệm khách hàng, các chính phủ đã có những bước tiến lớn trong tăng cường trải nghiệm khách hàng trong thập kỷ qua. Việc áp dụng các nền tảng cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số ngày càng tăng có thể cho phép đưa những cải tiến lên một tầm cao mới.
Trong kỷ nguyên của những tiềm năng chưa từng có này, các chính phủ đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi mang tính chuyển đổi, được trang bị các công cụ, chiến lược và tư duy hợp tác để giúp thúc đẩy họ tiến tới tương lai, nơi những cải thiện gấp 10 lần không chỉ là tham vọng mà còn là hiện thực có thể đạt được.
Nguyễn Trọng Khánh
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo về Xu hướng Chính phủ của năm 2024 của Trung tâm Nghiên cứu Chính phủ thuộc Deloitte
- https://www2.deloitte.com/us/en/insights/industry/public-sector/government-trends.html
- https://www2.deloitte.com/us/en/pages/public-sector/articles/government-tech-trends.html