Đang xử lý.....

Phát triển thành phố thông minh: Biểu hiện của chuyển đổi số tại các thành phố Nhật Bản (Phần 1)  

Trong thời đại hiện nay, việc phát triển đô thị thông minh không chỉ là xu hướng mà còn là cần thiết để đảm bảo cuộc sống người dân được nâng cao và bền vững hơn. Phát triển khoa học công nghệ, phát triển đô thị xanh theo hướng thông minh và bền vững được xác định là một trong những định hướng và mục tiêu chủ yếu của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Thứ Tư, 18/12/2024 12
|

Lời nói đầu

Trong thời đại hiện nay, việc phát triển đô thị thông minh không chỉ là xu hướng mà còn là cần thiết để đảm bảo cuộc sống người dân được nâng cao và bền vững hơn. Phát triển khoa học công nghệ, phát triển đô thị xanh theo hướng thông minh và bền vững được xác định là một trong những định hướng và mục tiêu chủ yếu của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, đi cùng với đó là sự phát triển của Đô thị thông minh (ĐTTM) là tất yếu khách quan tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Phát triển đô thị thông minh đồng nghĩa với việc tận dụng công nghệ thông tin và truyền thông để quản lý và vận hành hệ thống đô thị hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các đô thị đang đóng góp 70% GDP cả nước, 5 thành phố trực thuộc Trung ương mặc dù chỉ chiếm 2,9% về diện tích và khoảng 22% về dân số nhưng năm 2020 đã đóng góp tới 46,8% GDP cả nước. Tính đến tháng 9/2022, cả nước có 888 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa là 41,5%.

Trong xu hương chung toàn cầu này, quá trình chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh tại Nhật Bản có thể nói bắt đầu sớm hơn Việt Nam.Quá trình này được biểu hiện qua sự hợp tác giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chính sách và chiến lược số của quá trình chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể, bao gồm các phương pháp tiếp cận thành phố thông minh như: chính sách hỗ trợ tài chính, công nghệ, dữ liệu …. chuyển đổi số trong quy hoạch hoặc phát triển đô thị.

Thông qua thu thập lược dịch các tài liệu có liên quan, bài viết này tập trung vào phương thức các đô thị, thành phố của Nhật Bản khai thác công nghệ số để nâng cao và đổi mới việc cung cấp dịch vụ và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các chương trình tiên phong hỗ trợ và quan hệ đối tác của chính phủ trong các phương pháp tiếp cận thành phố thông minh trên khắp cả nước.

Sự phát triển các chính sách của chính phủ về thành phố thông minh

Quá trình phát triển của thành phố thông minh tại Nhật Bản được chia thành bốn giai đoạn phát triển, bắt đầu từ các sáng kiến tập trung vào môi trường đến các sáng kiến hướng đến dịch vụ và cuối cùng là tầm nhìn về một xã hội chuyển đổi kỹ thuật số.

Giai đoạn thứ nhất bao gồm các sáng kiến để ứng phó với hai thách thức chính: sự nóng lên toàn cầu và dân số già hóa. Khái niệm này đã đạt được động lực sau Hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2008, dẫn đến sáng kiến "Thành phố mô hình môi trường". Đồng thời, các nỗ lực phục hồi các vùng nông thôn đã nhấn mạnh nhu cầu về các chiến lược thành phố thông minh để thu hút cư dân và các ngành công nghiệp

Giai đoạn thứ hai, được thúc đẩy bởi Trận động đất lớn ở Đông Nhật Bản năm 2011, ưu tiên khả năng phục hồi của cộng đồng và các giải pháp năng lượng phi tập trung.

Giai đoạn ba là sự chuyển dịch từ các sáng kiến tập trung vào giải quyết vấn đề với sự hợp tác của các thành phố với các ngành công nghiệp để hoạt động bền vững.

Giai đoạn thứ tư đánh dấu những thay đổi chính trị đáng kể hướng tới số hóa, với các sáng kiến như “Sáng kiến Siêu thành phố” và “Tầm nhìn hướng tới Thành phố Vườn kỹ thuật số Quốc gia” để chuyển đổi xã hội.

Hình 1 bên dưới cung cấp tổng quan về các chính sách của chính phủ liên quan đến phát triển thành phố thông minh, tham chiếu đến các chính sách số hóa trong quá trình chuyển đổi số của chính phủ Nhật Bản

Hình 1 Tầm nhìn vĩ mô về quá trình các sáng kiến thành phố thông minh

Giai đoạn 1: Bình minh của các thành phố thông minh tại Nhật Bản - Các thành phố thông minh tập trung vào môi trường

Các chính sách và sáng kiến về thành phố thông minh của Nhật Bản tập trung để ứng phó với hai thách thức riêng biệt, đó là: (1) Tác động của sự nóng lên toàn cầu và (2) Suy giảm và già hóa dân số.

Để ứng phó với thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, khái niệm về các thành phố thân thiện với môi trường đã hình thành trong các chính sách của chính phủ Nhật Bản. Hội nghị thượng đỉnh G8 Toyako được tổ chức năm 2008 tại Hokkaido, Nhật Bản, tập trung vào các vấn đề về môi trường và giới thiệu sáng kiến “Thành phố mẫu về môi trường” của Văn phòng Nội các Nhật Bản. Có thể nói đây là nguồn gốc, xuất phát điểm của các nỗ lực xây dựng thành phố thông minh của chính phủ Nhật Bản. Sáng kiến này bao gồm các khoản cấp trợ cấp của chính phủ cho các thành phố thông qua sử dụng bất kỳ ứng dụng CNTT nào để giải quyết các vấn đề về môi trường như tiết kiệm năng lượng, xử lý và tái chế chất thải rắn và nước thải. Thay vì các chương trình quy mô đô thị thường gắn liền với thuật ngữ thành phố thông minh, cách tiếp cận này tập trung vào các nỗ lực và hoạt động cụ thể cho nhiều thành phố. Trong sáng kiến ban đầu này, các thuật ngữ về hoạt động thông minh được hiểu và đề cập nhiều hơn thay vì thuật ngữ môi trường thông minh.

Động lực thứ hai cho các chính sách thành phố thông minh tại Nhật Bản xuất phát từ những nỗ lực phục hồi các vùng nông thôn. Tổng dân số Nhật Bản bắt đầu giảm vào năm 2008 và sự già hóa dân số cũng đặt ra thách thức lớn đối với tương lai của đất nước. Vấn đề suy giảm và già hóa dân số đặc biệt nghiêm trọng ở các vùng nông thôn. Năm 2005, Chính phủ đã ban hành cảnh báo đầu tiên về tình trạng suy giảm dân số và thông qua “Chính sách cơ bản về phục hồi khu vực”. Đồng thời Văn phòng phục hồi khu vực được thành lập và trực thuộc Văn phòng Nội các chính phủ. Kể từ đó, các sáng kiến về thành phố thông minh đã được định vị như một phần trong nỗ lực của các thành phố nhằm thu hút người dân và ngành công nghiệp dịch chuyển đến thành phố và giữ chân thế hệ trẻ để duy trì nền kinh tế và sự sôi động của các thành phố, và lập trường này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Giai đoạn 2: Hậu động đất lớn - Thành phố thông minh dựa trên CNTT và định hướng năng lượng

Vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, Nhật Bản đã trải qua trận động đất lớn, sóng thần và sự cố Fukushima ở Đông Nhật Bản, khiến hơn 20.000 người thiệt mạng, buộc 470.000 người phải sơ tán khỏi nhà và phá hủy hoàn toàn 120.000 tòa nhà. Thảm kịch lớn này đòi hỏi một hình thức tiếp cận mới, tiên tiến hơn cho thành phố thông minh. Đây là Giai đoạn 2 trong quá trình phát triển thành phố thông minh của Nhật Bản với định hướng sâu sắc hơn đến tính bền vững và khả năng phục hồi của cộng đồng. Sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã khiến tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản phải dừng hoạt động để kiểm tra an toàn trước các mối nguy hiểm tự nhiên cực đoan. Đồng thời tình trạng thiếu năng lượng sau đó không chỉ ảnh hưởng đến các khu vực bị tàn phá mà còn trên khắp Nhật Bản. Trước thảm họa, nguồn cung cấp năng lượng ở Nhật Bản được coi là có độ tin cậy cao, đặc trưng bởi sự ổn định về điện áp và tần số và hiếm khi mất điện. Độ tin cậy và dịch vụ chất lượng cao được đảm bảo bởi chín công ty điện lớn chịu trách nhiệm phân phối điện từ các nhà máy điện lớn, bao gồm nhà máy điện hạt nhân, đến các khu vực nông thôn xa xôi hẻo lánh. Tuy nhiên, thảm họa đã làm rõ tính dễ bị tổn thương của việc phụ thuộc vào số lượng nguồn sản xuất điện hạn chế và mạng lưới năng lượng phức tạp, rộng khắp.

Từ những kinh nghiệm này xuất hiện câu cửa miệng “sản xuất tại địa phương và tiêu thụ năng lượng tại địa phương”, trong đó điện được sản xuất bởi các máy phát điện quy mô nhỏ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ và pin được phân phối trong cộng đồng thông qua mạng lưới đơn giản. Phương pháp này đã trở thành một khái niệm mới, chính cho các thành phố thông minh. Tại khu vực Tohoku, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do động đất, các thị trấn mới phát triển dành cho người tị nạn thiên tai đã đưa khái niệm như vậy vào các quy hoạch tổng thể của họ.

Trong thời gian xảy ra thảm họa này, dự án Thành phố thông minh Kashiwanoha, do công ty bất động sản tư nhân Mitsui Fudosan sở hữu và điều hành, đang trong quá trình phát triển. Chủ tịch công ty đã quyết định dừng thi công và chỉ đạo nhóm dự án thiết kế lại khu dân cư, tăng cường khả năng phục hồi thảm họa của thành phố, đồng thời xây dựng các nơi trú ẩn khẩn cấp cho cư dân ở các khu vực xung quanh với cơ chế tự vận hành các chức năng cốt lõi của cơ sở hạ tầng.

Giai đoạn 3: Thành phố thông minh giải quyết vấn đề nhằm hồi sinh các khu vực

Vào giữa những năm 2010, Hoa Kỳ và Châu Âu đã bắt đầu quan tâm trở lại đến các thành phố thông minh, thể hiện qua một số sáng kiến có liên quan tại Hoa Kỳ như sáng kiến Horizon 2020 và Thành phố thông minh năm 2015 của Tổng thống Obama hoặc Dự án Ngọn hải đăng Cộng đồng và Thành phố thông minh Châu Âu năm 2014. Những sáng kiến này được coi là một cách tiếp cận đầy hứa hẹn để giải quyết những thách thức riêng biệt của từng thành phố và thị trấn thông qua sự tham gia tích cực của cư dân. Ngược lại, tại Nhật Bản, khái niệm thành phố thông minh bị đình trệ, ít thu hút được sự quan tâm của công chúng và phương tiện truyền thông đại chúng, thậm chí thuật ngữ “thành phố thông minh” được coi là một từ thông dụng do các chuyên gia am hiểu công nghệ tạo ra. Điều này có thể xuất phát từ sự mệt mỏi của cư dân với những nỗ lực tiết kiệm năng lượng đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của họ, cùng với những thách thức trong việc thiết lập các mô hình kinh doanh bền vững cho các dịch vụ mới được giới thiệu tại các thành phố thông minh sau khi trợ cấp của chính phủ hết hạn.

Tuy nhiên, một ấn phẩm do Hiroya Masuda, cựu Thống đốc tỉnh Iwate, chấp bút đã khơi dậy nhu cầu chuyển đổi số. Ấn phẩm có tên “Demise of Regions” (Sự suy tàn của các khu vực) đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc về vấn đề già hóa và suy giảm dân số đang diễn ra ở Nhật Bản. Ấn phẩm chỉ ra rằng 896 thành phố, tương đương 49,8% tổng số thành phố ở Nhật Bản đang đang trên đà suy tàn do mật độ dân số ngày càng tăng ở Tokyo. Ấn phẩm này đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo thành phố chú ý đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống của các thành phố và thị trấn của họ để thu hút cư dân mới, đồng thời giữ chân cư dân hiện tại. Các phương pháp tiếp cận thành phố thông minh được coi là giải pháp khả thi tiềm năng cho các vấn đề của chính thành phố họ.

Đồng thời chính quyền trung ương cũng đã có những cảnh báo cấp bách và đưa ra các sáng kiến cụ thể để thúc đẩy quá trình này. Bắt đầu từ những năm 2013, Bộ Nội vụ và Truyền thông (MIC) đã khởi xướng sáng kiến “Thúc đẩy phát triển đô thị dựa trên công nghệ thông tin” đánh dấu nỗ lực đầu tiên của chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề đô thị thông qua công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, khi đó Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch (MLIT), là cơ quan phụ trách phát triển đô thị nhưng ít chú trọng đến xu hướng phát triển thành phố thông minh. Cho đến năm 2018, “Báo cáo tạm thời về việc hiện thực hóa các thành phố thông minh” được công bố, được coi là văn bản cấp chính phủ đầu tiên có tiêu đề là “thành phố thông minh”. Sau đó, MLIT bắt đầu khởi xướng các chương trình với các khoản trợ cấp của chính phủ cho các dự án thành phố thông minh. Bên cạnh đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) triển khai các chương trình thí điểm mới được kết hợp từ các sáng kiến đang diễn ra - sáng kiến thành công với các sáng kiến mới được các chính quyền địa phương ủng hộ và tích cực tham gia nộp đơn xin trợ cấp cho các dự án của mình.

Tuy nhiên, kết quả của các chương trình thí điểm này không đạt được kết quả khả quan như kỳ vọng. Một cuộc khảo sát sau dự án về tính liên tục của các dự án thành phố thông minh với các khoản trợ cấp của chính phủ cho thấy hơn 70% các dự án được cấp đã bị hủy bỏ sau khi chính phủ chấm dứt trợ cấp mà không đạt được các mục tiêu ban đầu. Cuộc khảo sát kết luận rằng những thách thức chung ngăn cản chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ các phương pháp tiếp cận thành phố thông minh theo mục tiêu ban đầu đến từ: (i) năng lực không đủ của các viên chức thành phố, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT và (ii) trên thực tế các đề xuất của địa phương thường do các công ty tư vấn lớn có trụ sở tại Tokyo, không liên quan đến các vấn đề thực tế mà các thành phố và khu vực thí điểm phải đối mặt.

Trên cơ sở các kết quả này, các đề xuất mới của chính phủ khuyến khích các thành phố hợp tác với các ngành công nghiệp liên quan ngay từ giai đoạn đầu nộp đơn xin tài trợ, cho phép cơ chế quan hệ đối tác công tư tiếp tục hoạt động để duy trì vận hành các hệ thống mới sau giai đoạn phát triển xây dựng theo chương trình trợ cấp của chính phủ kết thúc. Các bộ, ngành chính phủ có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để thiết lập các cơ chế mà các thành phố có thể kết hợp với ngành công nghiệp phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của địa phương thông qua các nền tảng do chính phủ hỗ trợ.

Mặc dù có thể thấy nhiều khía cạnh khác nhau trong các hoạt động của cả chính quyền trung ương và địa phương trong giai đoạn này, nhưng xu hướng chung trong giai đoạn thứ ba có thể được tóm tắt là thời điểm chuyển đổi từ các thành phố thông minh tập trung vào môi trường và công nghệ sang ưu tiên tập trung vào giải quyết vấn đề với các mục tiêu chung là nâng cấp và phục hồi các thành phố và thị trấn.

Lời kết

Hành trình phát triển thành phố thông minh của Nhật Bản là trường hợp đặc thù hấp dẫn trên thế giới vì nhiều lý do:

Đầu tiên, nó được thúc đẩy bởi nhu cầu cấp thiết phải giải quyết các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, dân số già hóa và tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng sau thảm họa thiên nhiên. Thông qua xây dựng, phát  triển các chính sách và chương trình của chính phủ, Nhật Bản cung cấp những sáng kiến, kinh nghiệm có giá trị về việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số trong bối cảnh đô thị.

Thứ hai, kinh nghiệm của Nhật Bản cung cấp một nghiên cứu điển hình phong phú và mạnh mẽ về cách công nghệ kỹ thuật số có thể nâng cao đáng kể việc giải quyết các vấn đề đô thị, phúc lợi và cung cấp dịch vụ thông minh cho cư dân. Điều này được minh họa bằng nhiều trường hợp mà các sáng kiến kỹ thuật số đã cải tiến cơ sở hạ tầng và dịch vụ trong các hệ thống năng lượng, di động, chăm sóc sức khỏe và thanh toán.

Cuối cùng, cách tiếp cận thành phố thông minh của Nhật Bản cộng hưởng với các xu hướng toàn cầu, chuyển từ tập trung đơn thuần vào công nghệ sang ưu tiên phát triển đô thị lấy con người làm trung tâm. Điều này khiến Nhật Bản trở thành chuẩn mực thích hợp cho các quốc gia khác đang tìm cách giải quyết những thách thức tương tự.

Bài tiếp theo giới thiệu giai đoạn thứ tư: Những thay đổi đáng kể trong chính trị và nỗ lực của chính phủ Nhật Bản “Số hóa và thành phố thông minh là sự khởi đầu của Giai đoạn thứ tư, Sáng kiến Siêu thành phố - là mô hình xã hội tương lai trong Xã hội 5.0” được khởi động trong những năm 2020 và 2021

 

Người thực hiện

Lê Việt Hưng

Phòng Dịch vụ số

Tài liệu tham khảo

https://www.jasca2021.jp/practices/area/japan/

https://japanupclose.web-japan.org/techculture/t20231208_1.html

https://www.smartcitiescouncil.com/resources/smart-city-progress-report-japan

https://www.pwc.com/jp/en/knowledge/thoughtleadership/smart-city2050.html

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 825
    • Khách Khách 824
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3890444