Đang xử lý.....

Chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn – Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới  

Việt Nam mới bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường chuyển đổi số để đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên số vì vậy việc học tập, áp dụng sáng tạo kinh nghiệm của các nước trên thế giới là cần thiết để rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.
Thứ Hai, 30/12/2024 11
|

Mở đầu:

Việt Nam mới bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường chuyển đổi số để đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên số vì vậy việc học tập, áp dụng sáng tạo kinh nghiệm của các nước trên thế giới là cần thiết để rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.

Thực trạng chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn một số quốc gia

Kinh nghiệm về chính sách chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Trung Quốc là quốc gia có nền nông nghiệp tương đồng với Việt Nam và là một điển hình trong việc xây dựng nền tảng, cơ chế chính sách cho nông nghiệp số. Cụ thể, năm 2018, quốc gia này đã ban hành văn bản số 33/2018 về nông nghiệp số và kế hoạch phát triển nông thôn Trung Quốc (2019-2025), trong đó nhấn mạnh chuyển đổi số nông nghiệp tập trung vào:

(1) Thúc đẩy thương mại điện tử nông sản; (2) Thúc đẩy số hóa toàn bộ chuỗi cung ứng nông nghiệp;

(3) Tăng cường nghiên cứu về tiêu chuẩn hóa blockchain trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng blockchain trong giám sát tài nguyên nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, bảo hiểm tài chính nông thôn, minh bạch  chuỗi cung ứng.

Giai đoạn 2019-2025 Trung Quốc đẩy mạnh quá trình phát triển nông nghiệp số gắn với khu vực nông thôn với các nội dung như:

- Xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu từ không gian, trên không và mặt đất;

- Tích hợp công nghệ số với hệ thống công nghiệp, sản xuất và quản lý;

- Nâng cao trình độ kỹ thuật số của người nông dân. Đến nay thì Trung Quốc là quốc gia duy nhất đang ứng dụng AI vào trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng chiến lược “Internet cộng với nông nghiệp” nhằm tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp thuận lợi.

Năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chiến lược, nâng cấp chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn toàn từ đầu vào, sản xuất, chế biến và tiêu thụ, bằng cách tích hợp nông nghiệp với Internet và các công nghệ thông tin và truyền thông khác (điển hình là tỉnh Hải Nam). Chiến lược đã tạo ra hàng triệu việc làm và giúp xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn nghèo.

Tại Mỹ không ban hành chiến lược chuyển đổi số riêng vì đã áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp từ rất sớm, và có những chính sách ủng hộ việc phát triển nông nghiệp của chính phủ Mỹ đã làm nên sự thành công của ngành nông nghiệp quốc gia này.

Vào năm 1914, Quốc hội Mỹ đã lập ra cơ quan Dịch vụ phát triển nông nghiệp, cơ quan này tuyển dụng đội ngũ cán bộ để cố vấn cho các hộ nông dân từ bước sử dụng phân bón cho đến các khâu sau của quy trình sản xuất nông nghiệp. Vào năm 1929, tổng thống Herbert Hoover thành lập ban nông nghiệp liên bang nhằm bảo đảm sự ổn định kinh tế cho nông dân. Năm 1933, Tổng thống Franklin D. Roosevelt cho phép thực hiện một hệ thống trợ giá cho nông dân một mức giá gần bằng giá lúc thị trường ở điều kiện ổn định bình thường. Đồng thời, trong khoảng thời gian từ 1933 đến 1996, Chính phủ quốc gia này cho nông dân vay tiền canh tác, nông dân có quyền trả nợ theo giá quy định trong hợp đồng.

Sự can thiệp với quy mô lớn vào ngành nông nghiệp Mỹ được kéo dài cho đến tận cuối những năm 1990, sau đó chính sách trợ giá nông nghiệp chỉ duy trì ở mức thấp, chính phủ tập trung vào chương trình dự trữ chiến lược, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, để phục vụ hiệu quả cho ngành nông nghiệp Mỹ.

Hiện nay, Chính phủ Mỹ đang chú trọng đến xuất khẩu nông sản, và đặc biệt quan tâm đến tính vững bền của lực lượng lao động nông nghiệp. Thượng viện vừa thông qua dự luật di dân nhằm mục đích bảo đảm có đủ số công nhân cần thiết cho nền nông nghiệp, đặc biệt là vào mùa gặt hái, chăn nuôi gia súc, và sản xuất nông phẩm cần thiết cho xuất khẩu. Đạo luật này cũng mở đường cho những người làm việc trong ngành nông nghiệp Mỹ mà chưa có giấy tờ hợp lệ được phép nhập cư vào Mỹ.

Hà Lan định hướng chuyển đổi để phục vụ các thế hệ tương lai, cung cấp thực phẩm, đảm bảo ổn định phù hợp cho người nông dân. Theo đó, để tạo sự khác biệt cho các thế hệ tiếp theo, Hà Lan phải đưa ra các nghiên cứu mang tính chiến lược cả trong nông nghiệp, nước, thực phẩm. Quốc gia này xác định một số công nghệ để đầu tư, xem đây là cơ hội để giải quyết các vấn đề đang gặp phải, hướng đến ngành nông nghiệp chính xác. Chính phủ Hà Lan đã hỗ trợ các chương trình giúp người dân tiếp cận công nghệ, hướng đến mục tiêu tăng tính phì nhiêu của đất, thuần thục cách thức sử dụng công nghệ. Những nông dân tham gia chương trình đào tạo này sẽ trở thành đại sứ trong chương trình. Bên cạnh đó, Hà Lan cũng xây dựng giáo trình cho sinh viên, giúp các em hiểu, áp dụng vào thực tế.

Tại Nga quá trình chuyển đổi số nông nghiệp đã được thúc đẩy một cách toàn diện thông qua sự hỗ trợ của các quy định, kỹ thuật công nghệ, giới thiệu các giải pháp sáng tạo, tạo ra hệ thống tài chính với sự tham gia của cả vốn nhà nước và vốn tư nhân, giới thiệu các hệ thống điện tử tự động và thông tin liên lạc, loại bỏ các vấn đề liên quan tới môi trường, cung cấp các khóa đào tạo về kinh tế và số hóa. Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng tạo ra hệ thống quy định pháp luật về số hóa nông nghiệp dựa trên những đòi hỏi thực tiễn của nó, tạo ra một cơ sở hạ tầng cạnh tranh toàn cầu về truyền, xử lý và lưu trữ dữ liệu trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng thệ thống các thể chế cũng như những cơ chế hỗ trợ vốn mạo hiểm để phát triển các công nghệ số.

Với những bước đi như vậy, ngành nông nghiệp Nga đã có được những sự chuyển biến nhất định như: hình thành khung pháp lý; nền tảng thông tin đồng bộ duy nhất để hình thành các dự án điển hình về hiện đại hóa nông nghiệp ở các vùng; bắt đầu sự ra đời của end-to-end digitalization, các dịch vụ và hình thức cung cấp dịch vụ cho dữ liệu đang được phát triển; mô hình kinh doanh cho thuê thiết bị cơ giới hóa đang được tiến hành như một kiểu Uber cho máy móc nông nghiệp; các trường đại học về nông nghiệp mở những khoa mới mà chương trình đào tạo coi số hóa và kinh tế số là hai lĩnh vực tương hỗ với nhau.

Israel có thể nói là điển hình về việc chính phủ số tập trung thúc đẩy sáng tạo trong nông nghiệp bằng công cụ tài chính, trong những năm 1950 -1960, Israel chi 30% ngân sách để phát triển nông nghiệp và hệ thống nước, tương đương ngân sách dành cho giáo dục. Cùng với chính sách rõ ràng, chuỗi sản xuất và hội đồng tiếp thị hiệu quả, nguồn đầu tư sớm nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi để các phân ngành phụ (rau củ, trái cây…) phát triển trong thị trường cạnh tranh. Loại hình tổ chức cũng là một yếu tố giúp nông nghiệp Israel “lột xác”.  Ngay từ đầu, nông dân Israel hoặc được đưa vào hợp tác xã hoặc được đại diện bởi một hiệp hội nông dân, tức được liên kết với một đơn vị sản xuất lớn hơn. Điều này giúp củng cố sức mạnh thương lượng của nông dân, tạo điều kiện để họ cạnh tranh, hoạt động và tiếp cận thị trường một cách hiệu quả. Định hướng thị trường rõ ràng cũng là một yếu tố góp phần tạo nên thành công cho nông nghiệp Israel.

Năm 2022 Israel thông qua dự luật ngân sách 2022 trị giá 180 tỉ USD , gói ngân sách này sẽ cung cấp chi tiêu cho hàng loạt chương trình, trong đó có cải cách nông nghiệp để cho phép nhập khẩu nông sản nước ngoài, kể cả trứng và các sản phẩm làm từ sữa. Mục tiêu của đợt cải cách này là gia tăng tính cạnh tranh trong ngành nông nghiệp Israel, mở rộng phạm vi sản phẩm bằng cách nới lỏng quy định để từ đó giảm giá thành, có lợi cho người tiêu dùng. Kế hoạch cải cách này còn bao gồm gói trợ cấp của chính phủ nhằm nâng cấp trang trại và cơ sở hạ tầng, bên cạnh giảm thuế để khuyến khích đầu tư thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hàn Quốc có một hệ thống thông tin nông nghiệp tập trung cho nông dân được gọi là “Cơ quan quản lý phát triển nông thôn RDA (Rural Development Administration)” tích hợp tất cả các viện nông nghiệp thành một mạng lưới để chia sẻ thông tin về sự phát triển công nghệ và các phương pháp hay nhất. RDA cung cấp dịch vụ tư vấn qua email, SMS (với hơn 35.000 nông dân và 8.000 nhà nghiên cứu đăng ký) và các khóa đào tạo trên Internet (với hơn 1.000 nông dân hoặc cán Sở khuyến nông tham gia khóa học hàng năm). Trang thông tin của RDA có hơn 50.000 người truy cập hàng tháng.

Thái Lan đã xây dựng một nền tảng Hệ thống thông tin nông nghiệp quốc gia NAIS liên kết tất cả các bên liên quan trong ngành nông nghiệp để tạo, thu thập, chia sẻ và sử dụng dữ liệu về nông nghiệp. Nền tảng này bao gồm các kho dữ liệu số toàn diện, lưu trữ đám mây, đồng Sở hóa dữ liệu thời gian thực và giao diện thân thiện với người dùng. Các Sở dữ liệu cần thiết như nhân khẩu học nông dân, chất lượng đất, độ cao đất, diện tích trồng, dự báo thời tiết, lượng mưa lịch sử, giá cả và xu hướng thị trường, những trường hợp nghiên cứu điển hình và những kiến thức cơ bản về nông nghiệp là những tài liệu được cung cấp trên nền tảng. Dữ liệu lớn được sử dụng để cung cấp thêm thông tin chi tiết cho các bên liên quan, đưa ra quan điểm về động lực và xu hướng của toàn ngành nông nghiệp quốc gia này. Chính phủ Thái Lan cũng thành lập Cơ quan xúc tiến kinh tế Kỹ thuật số (Digital Economy Promotion Agency - DEPA) cung cấp tài trợ cho AgriTech và các tổ chức doanh nghiệp nông nghiệp Thái Lan nhằm chuyển đổi doanh nghiệp của họ bằng việc thúc đẩy phát triển các nền tảng số, bảo đảm tính khả dụng của các công nghệ mới.

Bên cạnh đó, DEPA cũng thành lập các gói hỗ trợ cụ thể nhằm hỗ trợ vốn cho quá trình chuyển đổi của các doanh nghiệp nông nghiệp lớn hay các doanh nghiệp khởi nghiệp Công nghệ nông nghiệp như: depa Startup Fund (Quỹ Khởi nghiệp), depa Digital Transformation Fund (Quỹ Chuyển đổi số), depa Digital Infrashtructure Fund (Quỹ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số) và depa Digital Event and Marketing Fund (Quỹ Sự kiện và tiếp thị kỹ thuật số).

Về Kinh tế số nông nghiệp

Trung quốc đã đạt được nhiều thành tựu liên quan đến nội dung này, cụ thể như: đã liên kết thành công các thành phần của chuỗi cung ứng truyền thống, từ phương thức cung ứng, nghiên cứu sản xuất, bán hàng tích hợp thông qua Internet di động đến IoT và dữ liệu lớn; đã xây dựng được mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm mục tiêu là tạo ra một loạt các dịch vụ giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân ở nông thôn và đẩy mạnh các mô hình tiêu dùng, từ đó nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng nông nghiệp. Ngoài ra, đối với phát triển nông thôn, Trung Quốc đã sớm đẩy nhanh việc sử dụng thương mại điện tử ở các vùng nông thôn với với sự vào cuộc của các gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba, JD.com và Suning từ những năm 2015. Thương mại điện tử nông thôn có vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo nên dược Chính phủ Trung Quốc đặc biệt coi trọng và hỗ trợ.

Hình: Robot hái trà thông minh được trang bị AI do Đại học Khoa học Công nghệ Chiết Giang phát triển bắt đầu thu hoạch trà Long Tỉnh đầu xuân tại vườn trà ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, vào ngày 26 tháng 3 năm 2024

Mỹ đặc biệt nhấn mạnh đến việc cơ giới hóa các phương tiện canh tác, sử dụng máy móc thay thế cho sức người và sức súc vật. Chi phí máy móc chiếm một tỷ lệ rất lớn trong tổng chi phí đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Với diện tích đất canh tác rộng lớn nên việc áp dụng các phương tiện và kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp đã khiến cho năng suất lao động tăng mạnh. Bên cạnh đó, mặc dù có những đợt lũ lụt và hạn hán nhưng nhìn chung lượng nước mưa tương đối đấy đủ, nước sông và nước ngầm cho phép tưới tiêu tại các tiểu bang thiếu nước.

Hiện nay, Dịch vụ Thống kê Nông nghiệp Quốc gia NASS (National Agricultural Statistics Service) của Mỹ lưu trữ tất cả thông tin thống kê nông nghiệp liên quan trên một nền tảng duy nhất (ví dụ: nhân khẩu học, kinh tế và giá cả, nghiên cứu và công nghệ, biểu đồ và bản đồ), nền tảng này miễn phí cho tất cả mọi người. Hơn 6 triệu Sở dữ liệu được theo dõi từ năm 1866 luôn có sẵn để tải xuống miễn phí. Có hơn 130.000 người truy cập trang thông tin của NASS mỗi tháng.

Hà Lan chú trọng giảm chất thải ra môi trường bằng việc sử dụng công nghệ để xây dựng hệ thống mùa màng mới, đem lại lợi nhuận cao hơn, chú trọng nông nghiệp chính xác theo chuỗi thực phẩm cung ứng, thực hiện đồng thời đo lường, lên kế hoạch, phân tích và chỉ thực hiện được khi có môi trường đất tốt, vụ mùa có sức chống chịu tốt. Quốc gia này xác định rằng công nghệ không thể thay thế được kiến thức về hệ sinh thái; những "viên gạch" trong hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm cây giống, đất tốt, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật... cùng với kiến thức, công nghệ mới tạo nên những vụ mùa bền vững. Hà Lan cũng đã đa dạng hóa hệ thống mùa màng nhằm chống chọi lại bệnh tật, dịch bệnh.

Có thể nói, đến nay, Hà Lan đã có nhiều giải pháp trong nông nghiệp, có mạng lưới, kết hợp giải pháp công nghệ với nhau để tạo ra giải pháp tổng thể toàn diện, hiệu quả. Hà Lan cũng thường xuyên đánh giá, mang đến trải nghiệm khác biệt về một trang trại hiện đại.

Tại Nga, ngày 7/5/2018 đã ban hành nghị định “Về các mục tiêu quốc gia và định hướng chiến lược của Liên bang Nga cho giai đoạn 2024”, trong đó đã đặt ra nhiệm vụ chuyển đổi các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế và xã hội bao gồm các công nghệ số trong nông nghiệp, các giải pháp nền tảng để phù hợp với chương trình “Nền kinh tế số của Liên bang Nga”. Năm 2019, Liên bang Nga đã thông qua Chương trình “Nông nghiệp kỹ thuật số” và đã hỗ trợ hiện đại hóa ngành nông nghiệp trong nước và tài trợ tới 50% chi phí cho các công nghệ mới này.

Năm 2021, Nga có kế hoạch đầu tư hơn 77 tỷ rúp (857 triệu euro) vào chương trình phát triển nông nghiệp quốc gia bằng các khoản vay ưu đãi, tín dụng thuế và trợ cấp. Đồng thời, hỗ trợ mạnh cho xuất khẩu với các khoản trợ cấp đặc biệt hướng đến logistics.  Ngoài ra, trong chiến lược phát triển KHCN đến năm 2025 của Liên bang Nga đặt ra mục tiêu đưa nước Nga vươn lên tốp 5 quốc gia hàng đầu thế giới trong một số lĩnh vực KHCN ưu tiên phát triển. Trong đó, định hướng nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sạch và sinh thái; sản phẩm bảo vệ sinh học và hóa học cho thực vật và động vật; lưu trữ và chế biến hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp.

Ấn Độ đã và đang thúc đẩy các khoản đầu tư tư nhân lớn hơn vào nông nghiệp - lĩnh vực đóng góp 21% vào GDP của đất nước. Trong một loạt chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, Ấn Độ đẩy mạnh ứng dụng máy bay không người lái. Chính phủ Ấn Độ trợ cấp tới 100% việc mua máy bay không người lái nông nghiệp cho một số tổ chức trong lĩnh vực này, nhằm cung cấp các khóa đào tạo và khuyến khích áp dụng công nghệ máy bay không người lái. Ấn Độ cung cấp khoản tài trợ bao gồm 100% chi phí của máy bay không người lái cho các cơ sở nghiên cứu và giáo dục nông nghiệp... Ngoài ra, các hợp tác xã do Chính phủ quản lý có thể nhận được khoản trợ cấp 75% chi phí cho máy bay không người lái nhằm thực hiện các màn trình diễn trên cánh đồng của các thành viên... Ấn Độ đã đẩy mạnh ứng dụng AI vào nông nghiệp, đơn giản hóa công cụ giao tiếp số cho người nông dân, không cần dùng đến công nghệ cao, tất cả những gì nông dân cần là một chiếc điện thoại có tính năng nhận tin nhắn văn bản. Người nông dân sẽ nhận được thông báo bằng tin nhắn tự động về ngày gieo hạt, nguy cơ sâu bệnh tấn công, dự báo sản lượng và giá cả dựa trên những phân tích dữ liệu từ ba thập kỷ gần nhất kết hợp với các thông tin qua vệ tinh về tình hình thời tiết và tăng trưởng của cây trồng qua từng giai đoạn ở hiện tại. Kết quả, sản lượng tăng 30% đối với cây trồng, chi phí cho thuốc trừ sâu giảm đáng kể, và dự báo giá cả giúp chính phủ kịp thời có chính sách trợ giá cho nông dân.

Hiện ngày càng có nhiều công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp nổi lên trong lĩnh vực này với các giải pháp Agritech nhằm mang lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân. Việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như AI trong nông nghiệp giúp nông dân nắm được thông tin dữ liệu như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, tốc độ gió... để tối ưu hóa cả hệ thống sản xuất, đưa lại năng suất vượt trội so với canh tác truyền thống trong khi giảm thiểu nguy cơ bệnh dịch và nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm. Mặc dù vai trò, ảnh hưởng của các công ty khởi nghiệp Agritech tại quốc gia này vẫn còn nhỏ trong kế hoạch tổng thể, nhưng thị trường Agritech Ấn Độ vẫn đầy hứa hẹn. Theo phân tích của Inc42 (Chuyên trang về kinh tế, khởi nghiệp của Ấn Độ), đến năm 2025, thị trường dự kiến sẽ đạt 24 tỷ USD, mặc dù hiện tại, chỉ 1% (204 triệu USD) được khai thác.

Israel là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về nông nghiệp là nhờ đổi mới và công nghệ nông nghiệp. Một trong những thành tựu nông nghiệp lớn nhất của Israel là phát triển ngành nông nghiệp thịnh vượng trong điều kiện sa mạc. Chính nhờ công nghệ, Israel đã tự chủ 95% nhu cầu thực phẩm của đất nước. Kỹ thuật tưới nhỏ giọt trên quy mô lớn đã được Israel sử dụng, phương pháp này giảm thiểu lượng nước bốc hơi do điều kiện khô cằn của đất và giúp cây hấp thụ lượng nước tối đa có thể. Những thành tựu này giúp nông nghiệp đóng góp 2,8% vào GDP Israel. Mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Israel là trái cây thuộc chi cam chanh. Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp trong nhà kính cũng là thế mạnh của quốc gia này. Các sản phẩm công nghệ cho nông nghiệp cũng đóng góp lớn cho xuất khẩu của Israel.

Thái Lan thực hiện quá trình chuyển đổi số từ nông trại tới bàn ăn thông qua khái niệm nông nghiệp chính xác, chú trọng áp dụng công nghệ số. Các công nghệ số được Thái Lan ứng dụng trong nông nghiệp gồm: công nghệ cảm biến, phân tích hình ảnh, phần mềm quản lý trang trại, cũng như AI và robot để tối ưu hóa hoạt động canh tác của nhà máy và tăng sản lượng năng suất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Do đó, người nông dân, người sản xuất có thể theo dõi, kiểm soát quá trình sản xuất một cách chính xác, hỗ trợ quá trình truy xuất nguồn gốc, từ đó thúc đẩy một cách tổng thể năng suất và chất lượng sản phẩm.

Một ví dụ điển hình về quá trình số hóa và chuyển đổi số có thể được nhắc đến là Chuỗi cung ứng gạo của Thái Lan.Thái Lan hỗ trợ cổng thông tin “Farmer One”, cung cấp các quy trình sản xuất nông nghiệp cho các doanh nghiệp như: Đăng ký trồng trọt, liên hệ nguồn nguyên liệu đầu vào, tư vấn tình hình giá bán của từng loại nông phẩm…Thái Lan đang hướng đến mục tiêu xa hơn là tăng cường khả năng cạnh tranh của không chỉ các doanh nghiệp lớn, mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua hỗ trợ tích hợp và chủ động như tích hợp hệ thống thuế nơi dữ liệu thuế có thể dễ dàng truy cập và tích hợp trên nền tảng dịch vụ, từ đó giảm công việc trên giấy tờ, chi phí lao động và dự phòng trong lĩnh vực này.

Về Nông dân số, nông thôn số

Ấn Độ chuyển đổi số vùng nông thôn với chương trình rộng khắp là Ngôi làng số, nòng cốt là hình thành Trung tâm dịch vụ cộng đồng đặt ngay tại Làng để cung cấp các dịch vụ số cho dân làng. Mô hình Trung tâm dịch vụ cộng đồng của Ấn Độ hoạt động giống như cơ chế một cửa cho dân làng để cung cấp các dịch vụ chất lượng cho người dân tiếp cận dễ dàng như y tế từ xa (telemedicine), tài chính, kết nối Internet, dịch vụ công trực tuyến (G2C), các dịch vụ thương mại, kinh doanh do doanh nghiệp cung cấp (B2C)… Người điều hành hoạt động của Trung tâm dịch vụ cộng đồng sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ dân làng sử dụng dịch vụ. Với ngôi làng số, nông dân ở Ấn độ có thể kết nối với thế giới số, dân làng có thể nhận được thông tin về thời tiết, thông tin phục vụ nông nghiệp, phương pháp gieo hạt và thu hoạch. Hơn thế nữa, với hỗ trợ của Chính phủ, người dân làng nhỏ có thể có tài khoản ngân hàng và với những tài khoản ngân hàng này, dân làng có thể tìm hiểu về giao dịch trực tuyến thông qua Chương trình ngôi làng số.

Hàn Quốc đã coi “thông minh hóa nông thôn” như một vấn đề then chốt, là một giải pháp cần thiết để phát triển và để đối phó với thách thức trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Chính quyền trung ương và địa phương tại Hàn Quốc hỗ trợ phát triển nông thôn và nông trại thông minh bằng cách kết nối với nhau trên mọi phương diện và lĩnh vực. Trang trại thông minh là một trong những dự án chiến lược và mô hình đổi mới sáng tạo sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ tại Hàn Quốc.

Theo đó, các thung lũng đổi mới công nghệ trong canh tác thông minh được xây dựng trên cơ sở ba trụ cột chính là công nghệ, sản xuất và con người. Nội dung định hướng của dự án bao gồm:

- Thiết lập các chương trình giáo dục chuyên nghiệp về trang trại thông minh và bồi dưỡng chuyên gia trẻ.

- Xác định các mặt hàng xuất khẩu mới có triển vọng từ các trang trại thông minh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời, tổ chức Hội chợ K-Food tại nhiều nước...

- Xây dựng các tổ hợp thực nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm và công nghệ mới giữa các ngành công nghiệp (thiết bị, thực phẩm và sinh học), nông dân và các cơ quan nghiên cứu.

- Xây dựng nền tảng mở nhằm chia sẻ và trao đổi dữ liệu về tăng trưởng và trồng trọt của các trang trại thông minh. Ban hành các tiêu chuẩn quốc gia để bảo đảm tính tương thích giữa các thiết bị trang trại thông minh và hiệu quả bảo trì.

Isarael đã rất thành công với mô hình hợp tác xã nông nghiệp (Kibbutz) là những cộng đồng kinh tế - xã hội trong nông nghiệp, nông thôn Israel được tổ chức theo các nguyên tắc: dân chủ tự quản, cộng đồng sở hữu tư liệu sản xuất và tài sản, bình đẳng trong lao động “làm theo năng lực” và phân phối công bằng “hưởng theo nhu cầu”.

Trình độ sản xuất cao cắt nghĩa cho khả năng phúc lợi xã hội lớn của kibbutz. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, kibbutz có quan hệ rất gắn bó với khoa học và công nghệ từ các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu và trường đại học. Nhiều thành tựu khoa học nông nghiệp của Israel xuất phát hoặc được ứng dụng trong các kibbutz. Israel có công thức: nông nghiệp là 95% khoa học và công nghệ cộng với 5% sức lao động. không chỉ là nơi ứng dụng đồng bộ công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp mà nhiều Kibbutz còn nghiên cứu phát triển các cộng nghệ sản phục vụ sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Nhật Bản định hướng “Nông nghiệp thông minh sản xuất dựa trên nhu cầu của khách hàng”, luôn nhấn mạnh An ninh lương thực là mục tiêu số một nên ngành nông nghiệp được bảo hộ rất cao.

Theo đó, để thúc đẩy nông nghiệp thông minh, Nhật bản đã tạo điều kiện từ cơ chế chính sách, đến sự vào cuộc của khoa học công nghệ, trong đó phải kể đến một số chính sách đặc biệt như Luật Đất đai nông nghiệp và Luật Hợp tác xã nông nghiệp cho phép rộng quyền hạn cho thuê, phát canh đất sản xuất nông nghiệp cũng như quyền quản lý cho các tập đoàn và các hợp tác xã nông nghiệp.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng ưu tiên đẩy mạnh Khoa học-kỹ thuật nông nghiệp thông qua các viện nghiên cứu nông nghiệp của Nhà nước và chính quyền các địa phương, đồng thời phát triển sản xuất có chọn lọc, chú trọng nâng cao chất lượng nông sản.

 Kết luận:

Theo phân tích và nhận định ở trên, mỗi quốc gia có cách tiếp cận chuyển đổi số riêng phụ thuộc vào bối cảnh, nhu cầu, vị trí vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế. Tuy nhiên, có thể tổng hợp các nét chính trong cách tiếp cận chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn của các quốc gia như sau:

- Tiếp cận toàn diện, đồng bộ, thống nhất: mặc dù là một vấn đề mới, phải thực hiện từng bước và liên tục nhưng chuyển đổi số nông nghiệp cần được thực hiện đồng bộ, toàn diện và thống nhất. Toàn diện mọi vấn đề, đồng bộ giữa các lĩnh vực với nhau và thống nhất từ trung ương đến địa phương;

- Tiếp cận cùng nhau: thành công của chuyển đổi số là phải làm cùng nhau, tất cả cùng làm, do đó cách tiếp cận cùng nhau là bắt buộc đối với chuyển đổi số trong nông nghiệp, phải dựa trên sự phát triển liên kết chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị nội ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối và chia sẻ, gắn chặt với thương mại số. Nông nghiệp vừa là ngành cung cấp nhưng cũng là ngành tiêu thụ sản phẩm của hầu hết các ngành kinh tế khác Chuyển đối số nông nghiệp phải gắn liền với chuyên đổi số của các ngành các lĩnh vực khác trong xã hội;

- Tiếp cận lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm: Chuyển đổi số để nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và các bên tham gia trong chuỗi giá trị nông nghiệp, nông thôn. Trong giai đoạn đầu Chính phủ và cơ quan quản lý chỉ kiến tạo các nền tảng số, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, làm mẫu và hướng dẫn. Giai đoạn hình thành kinh tế số nông nghiệp và xã hội số nông thôn thì người dân và doanh nghiệp là chủ thể tham gia và vận hành theo quy luật thị trường. Mức độ tham gia của người dân và doanh nghiệp chính là thước đo quan trọng nhất đối với mức độ thành công của quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy tiền trình chuyển đổi số nông nghiệp phải đáp ứng đúng nhu cầu và năng lực của người dân và doanh nghiệp.

 

Trinh Thị Trang – Phòng Quản lý Đầu tư

Danh mục tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 Khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008).

2. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

3. https://dx.mic.gov.vn/docs/chuyen-doi-so-la-gi/

4.https://www.mic.gov.vn/Nongthon/Pages/TinTuc/149520/Chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-la-xu-huong-toan-cau.html

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 432
    • Khách Khách 431
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3889987