Đang xử lý.....

Chiến lược của các quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (phần 3 – tiếp)  

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), dự báo đến năm 2025, 10% tổng GDP toàn cầu được số hóa lưu trữ trên blockchain. Hãng nghiên cứu thị trường Fortune Business Insights thì đánh giá, thị trường công nghệ chuỗi khối năm 2021 là 4,67 tỷ USD, năm 2022 là 7,18 tỷ USD và dự báo tới năm 2029 sẽ là 163,83 tỷ USD, tức đạt mức tăng trưởng kép hàng năm là 56,3%. Cũng theo hãng này, thị trường cung cấp dịch vụ chuỗi khối đám mây (blockchain as a service) tới năm 2027 sẽ có quy mô là 24,94 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2019-2027 là 39,5%.
Thứ Hai, 30/12/2024 7
|

Mở đầu:

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), dự báo đến năm 2025, 10% tổng GDP toàn cầu được số hóa lưu trữ trên blockchain. Hãng nghiên cứu thị trường Fortune Business Insights thì đánh giá, thị trường công nghệ chuỗi khối năm 2021 là 4,67 tỷ USD, năm 2022 là 7,18 tỷ USD và dự báo tới năm 2029 sẽ là 163,83 tỷ USD, tức đạt mức tăng trưởng kép hàng năm là 56,3%. Cũng theo hãng này, thị trường cung cấp dịch vụ chuỗi khối đám mây (blockchain as a service) tới năm 2027 sẽ có quy mô là 24,94 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2019-2027 là 39,5%.

Kinh nghiệm của các quốc gia về chiến lược chuỗi khối:

Chiến lược chuỗi khối của Liên minh Châu Âu (EU) đã nhận định, công nghệ chuỗi khối cho phép tạo lập niềm tin theo những cách trước đây không thể thực hiện được. Cơ chế của chuỗi khối cho phép các cá nhân, tổ chức không biết nhau, có thể thống nhất với nhau mà không cần bên thứ ba có thẩm quyền. Vì vậy, chuỗi khối sẽ tạo nên cách mạng hóa sự chia sẻ thông tin và cách thức thực hiện các giao dịch trên không gian mạng. EU xác định các yếu tố cốt lõi thúc đẩy chuỗi khối là (1) xây dựng nền tảng dịch vụ chuỗi khối chung cho toàn Châu Âu; (2) thúc đẩy hoàn thiện về khung pháp lý; (3) tăng cường tài trợ cho các nghiên cứu đổi mới và thúc đẩy sự bền vững trong ứng dụng chuỗi khối. EU cũng xác định các tiêu chuẩn cho chuỗi khối bao gồm: phải có tính bền vững về môi trường; đảm bảo an toàn dữ liệu; tương thích với danh tính số chung của Châu Âu; bảo vệ an toàn, anh ninh mạng và có khả năng tương tác, liên thông với nhau và với các hệ thống bên ngoài khi cần thiết.

Ấn Độ đã ban hành chiến lược quốc gia về chuỗi khối vào tháng 12/2021, một chiến lược toàn diện. Trong chiến lược, Ấn độ đã nhận định thiết kế an toàn của chuỗi khối khiến nó trở thành một hệ thống duy nhất giúp các giao dịch kinh tế trở nên minh bạch và đáng tin cậy trong môi trường đa liên kết mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan trung lập thứ ba nào. Trong 05 năm tiếp theo, Ấn độ xác định các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy ứng dụng và phát triển chuỗi khối bao gồm: (1) xây dựng Nền tảng chuỗi khối quốc gia; (2) xây dựng hạ tầng chuỗi khối được tạo lập bởi các nút phân tán về mặt địa lý; (3) triển khai dịch vụ chuỗi khối phục vụ (Blockchain as a Service – BaaS) xây dựng, phát triển các ứng dụng chuỗi khối trong các lĩnh vực khác nhau như chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý chuỗi cung ứng thuốc,...; (4) tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển chuỗi khối giữa các tổ chức, trường, viện trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với các nền tảng hạ tầng ứng dụng đang triển khai, Ấn độ xác định tích hợp, triển khai dịch vụ chuỗi khối trong các ứng dụng nền tảng quốc gia như eSign, ePramaan, DigiLocker.

Từ năm 2019, Đức đã ban hành chiến lược quốc gia về chuỗi khối với mục tiêu tận dụng các cơ hội mà công nghệ chuỗi khối mang lại để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chiến lược xác định các biện pháp, giải pháp ưu tiên trong 05 lĩnh vực: tài chính; đổi mới, sáng tạo; đầu tư; dịch vụ công; hợp tác quốc tế.

Với Trung Quốc, trong Hội nghị của Bộ Chính trị BCHTƯ ĐCS Trung Quốc về hiện trạng và xu hướng phát triển của công nghệ chuỗi khối, Tổng Bí thư BCHTƯ ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng, các ứng dụng tích hợp của công nghệ chuỗi khối đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động đổi mới sáng tạo công nghệ và sự nghiệp chuyển đổi nền công nghiệp quốc gia. Phải coi chuỗi khối là một bước đột phá quan trọng để thực hiện đổi mới một cách độc lập về công nghệ; làm rõ hướng tấn công chính, tăng cường đầu tư một số công nghệ cốt lõi trọng yếu; tập trung khắc phục những điểm còn hạn chế để đẩy nhanh phát triển công nghệ chuỗi khối; và tăng cường đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong phát triển công nghiệp. Các nhiệm vụ, giải pháp chiến lược được chỉ ra là (1) thiết lập nền tảng để phát triển công nghệ chuỗi khối; (2) thúc đẩy, tăng cường ứng dụng chuỗi khối sâu rộng trong các lĩnh vực; (3) Duy trì kiểm soát và thường xuyên cải biến công nghệ chuỗi khối phù hợp với đặc điểm, nhu cầu quốc gia; (4) huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động thúc đẩy ứng dụng và phát triển chuỗi khối.

Hàn Quốc đã công bố “Chiến lược Quốc gia số”, thiết lập tầm nhìn tương lai là hình mẫu Quốc gia số của thế giới, với các mục tiêu cụ thể sẽ giúp Hàn Quốc đạt được bước nhảy vọt lần nữa nhờ vào công nghệ số. Chiến lược đề ra 05 mục tiêu chiến lược và 19 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Theo đó, từ năm 2023, Hàn Quốc sẽ thực hiện đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cho 06 công nghệ số tiên tiến, gồm: một là, công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI); hai là, công nghệ sản xuất chip chuyên dụng cho trí tuệ nhân tạo (AI semiconductors); ba là, công nghệ mạng thế hệ mới 5G và 6G; bốn là, công nghệ tính toán lượng tử (Quantum); năm là, công nghệ vũ trụ ảo (Metaverse); sáu là, công nghệ đảm bảo an toàn không gian số (cyber security).

3.4. Về phát triển công nghiệp và thúc đẩy ứng dụng chuỗi khối

Liên minh Châu Âu thành lập Cơ quan giám sát và diễn đàn công nghệ Blockchain Châu âu (EU Blockchain Observatory & Forum) với các nhiệm vụ: giám sát các sáng kiến blockchain ở Châu Âu; tạo ra một nguồn kiến thức toàn diện về blockchain; tạo một diễn đàn hấp dẫn và minh bạch để chia sẻ thông tin và ý kiến về blockchain; đưa ra các đề xuất về vai trò của EU đối với blockchain. EU đã phát triển Hạ tầng dịch vụ blockchain Châu Âu an toàn, tin cậy và có độ thích ứng cao (European Blockchain Services Infrastructure – EBSI) tuân thủ đáp ứng tiêu chuẩn cao về thông tin riêng, an toàn thông tin, liên thông và tuân thủ các quy định trong việc áp dụng các chính sách.

Chính phủ Hàn Quốc với các hoạt động đầu tư bài bản nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng sâu rộng công nghệ chuỗi khối trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Kể từ năm 2015 đến nay, các cơ quan chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ tài chính cho 681 dự án liên quan tới công nghệ chuỗi khối tại nước này. VD như: Bộ KH&CNTT (Ministry of Science and ICT) và Bộ Phát triển Công nghiệp CNTT (Ministry of Information and Communication Industry Promotion) đã công bố chương trình thí điểm hỗ trợ phát triển công nghệ blockchain có tên gọi “Blockchain Technology Validation Support 2020”. Có 09 công ty khởi nghiệp đã được lựa chọn và cấp vốn đầu tư 360.000 USD;

Bộ Khoa học công nghệ Hàn Quốc (Ministry of Science and Technology) công bố khoản đầu tư 380 triệu USD trong 06 năm (2021-2026) vào hoạt động nghiên cứu và phát triển về công nghệ Blockchain. Mục tiêu là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ Blockchain vào phục vụ các dịch vụ công như nhận dạng khuân mặt, truy vết, định danh di động cá nhân sử dụng công nghệ AI và Blockchain;

Cục An toàn thông tin và Internet Hàn Quốc (the Korea Internet Security Agency – KISA): hỗ trợ các dự án liên quan tới công nghệ Blockchain thông qua ngân sách 9 triệu USD, mỗi dự án sẽ được tài trợ tối đa 1,2 triệu USD;

Cục Công nghiệp CNTT quốc gia (National IT Industry Promotion Agency – NIPA): cung cấp các chương trình ươm mầm, hỗ trợ cho các công ty công nghệ blockchain, nhất là với các công ty khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với công nghệ blockchain. NIPA cũng quản lý một quỹ trị giá 5 triệu USD giành cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, kinh doanh sử dụng công nghệ blockchain.

Bên cạnh đó, các hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng chuỗi khối trong khối tư nhân ở Hàn Quốc cũng rất được quan tâm và đẩy mạnh. Các tập đoàn lớn như LG, Kakao, Naver, SK Telecom, KT, Samsung,… và các ngân hàng thương mại đều có những khoản đầu tư nghiên cứu, phát triển và còn trực tiếp ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong các hoạt động quản lý, kinh doanh của họ.

Trung Quốc có bốn trung tâm blockchain chính, nằm xung quanh các thành phố lớn là Tứ Xuyên và Trùng Khánh, Quảng Đông tập trung vào Thâm Quyến, đồng bằng sông Dương Tử tập trung vào Hàng Châu và Thượng Hải, Khu vực mới Xiong’an và Bắc Kinh. Khu vực vịnh Macao đi đầu trong một nhóm hợp tác chuỗi khối với việc thành lập Liên minh Blockchain Quảng Đông-Hồng Kông Macao Bay vào tháng 11 năm 2018. Hơn 150 sáng kiến ​​chuỗi khối đã được phát triển ở khu vực này, trong khi Quỹ Đổi mới và Công nghệ của Hồng Kông đã tài trợ 67,2 triệu đô la cho 18 dự án ứng dụng chuỗi khối.

Vào năm 2019, Trung Quốc đã công bố Mạng dịch vụ dựa trên chuỗi khối (Blockchain-based Service Network – BSN), sau đó được khai trương vào tháng 4 năm 2020, với mục đích giảm chi phí phát triển, triển khai, vận hành và bảo trì, đồng thời tăng khả năng tương tác và tuân thủ của chuỗi khối.

Ở thị trường Trung Quốc, theo CCID consulting, các lĩnh vực ứng dụng blockchain ở Trung Quốc tập trung chủ yếu dịch vụ tài chính và dịch vụ doanh nghiệp. Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ứng dụng blockchain chủ yếu tập trung vào thanh toán xuyên biên giới, giải quyết yêu cầu bồi thường bảo hiểm, giao dịch chứng khoán và thanh toán hóa đơn. Còn trong lĩnh vực dịch vụ doanh nghiệp, ứng dụng blockchain bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng blockchain, cung cấp giải pháp blockchain cho các công ty Internet và các doanh nghiệp truyền thống, ứng dụng chuỗi cung ứng, dịch vụ dữ liệu, nền tảng BaaS (Blockchain as a Service) và dịch vụ kho bạc.

Points scored

Nguồn: CCIC consulting, Ping an securities

Singapore được gọi là một trong những “thiên đường mã hoá” trên thế giới không chỉ vì đây là một trong những trung tâm tài chính của thế giới mà còn vì cách tiếp cận rất hài hoà của Cơ quan quản lý tiền tệ nước này (MAS) đối với vấn đề tài sản mã hoá nhằm tạo ra không gian cho đổi mới sáng tạo đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư và công chúng nói chung. Chính phủ Singapore khuyến khích sự phát triển của công nghệ chuỗi khối nhưng không khuyến khích (mặc dù vẫn cho phép sử dụng) tiền mã hoá. Singapore đã thành lập mới hàng chục công ty áp dụng công nghệ chuỗi khối để sử dụng trong tài chính thương mại, chuyển tiền, bảo vệ dữ liệu, cũng như cơ sở hạ tầng ngân hàng và giải quyết. Chính sách Singapore cho phép áp dụng rộng rãi công nghệ mới vì tham vọng của đất nước này để trở thành Quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới và một Trung tâm Tài chính thông minh.

Tại Hoa Kỳ, năm 2021, Quốc hội đã đề xuất 35 dự thảo luật liên quan đến blockchain vào chương trình nghị sự. Trong đó có nổi bật là ba dự luật về việc (i) quy định về tiền ảo, (ii) ứng dụng công nghệ blockchain và (iii) ứng dụng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Ngoài ra còn có các dự thảo luật khác như: bảo vệ nhà đầu tư và cơ cấu tài sản kỹ thuật số; Đạo luật xóa bỏ rào cản đổi mới (Eliminate Barriers To Innovation Act); công nghệ an toàn đối với người tiêu dùng (Consumer Safety Technology Act); Cryptocurrency Tax Clarity Act; Cryptocurrency Tax Reform Act… Chính phủ Hoa Kỳ cũng đưa công nghệ sổ cái phân tán, công nghệ tài sản số vào Danh sách các công nghệ trọng yếu và mới nổi quốc gia để có chính sách bảo vệ và đầu tư.

UAE đã thực hiện sáng kiến thúc đẩy ứng dụng chuỗi khối rộng rãi, trong nhiều lĩnh vực được gọi là Chiến lược chuỗi khối của Emirates 2021. Mục tiêu của chiến lược này là chuyển 50% các giao dịch của chính phủ hiện hành sang một chuỗi khối vào năm 2021. Là một phần của sáng kiến này, Smart Dubai đã ra mắt Nền tảng chuỗi khối như một dịch vụ để lưu trữ các dữ liệu của chính phủ và đã có hơn 30 dự án blockchain đang được phát triển. Thông qua chính sách này, các tổ chức chính phủ được khuyến khích thiết lập các kênh tích hợp với mục đích cải thiện hoạt động của các dịch vụ liên ngành.

Về xây dựng chính sách thử nghiệm, phát triển đặc khu chuỗi khối và các ứng dụng thành phố thông minh

Năm 2014, thành phố Zug của Thụy Sĩ được giới tài chính đặt cho cái tên là “thung lũng tiền ảo” và từ đây, Zug trở thành đặc khu chuỗi khối đầu tiên trên thế giới. Chính phủ Thụy Sĩ đã đưa ra chính sách khuyến khích các công ty, nhà đầu tư tiền số tập trung tại đây. Tại Zug, chính quyền địa phương cho phép người dân dùng Bitcoin để trả các khoản phí dịch vụ công, chẳng hạn phí đăng ký định cư. Chính sách của Thụy Sĩ cũng cho phép các công ty giao dịch với khách hàng bằng Bitcoin mà không cần sự tham gia của ngân hàng. Zug là nơi đặt trụ sở chính của tổ chức điều hành Ethereum – đồng tiền ảo có vốn hóa lớn thứ hai thế giới chỉ sau Bitcoin. Thống kê năm 2021, thành phố bé nhỏ với diện tích chỉ 21km2, với dân số chưa tới 30.000 người, nhưng đã thu hút tới 433 doanh nghiệp trong lĩnh vực chuỗi khối, chiếm 45% toàn khu vực và cũng là trụ sở của Hiệp hội Thung lũng tiền mã hóa (Crypto Valley Association). Chỉ tính top 50 doanh nghiệp chuỗi khối lớn nhất nơi đây đã tạo ra giá trị 254,9 tỷ USD cùng 11 kỳ lân có giá trị hơn 1 tỷ USD với những cái tên nổi bật như Ethereum, Cardano hay Polkadot. Từ một thủ phủ bang nghèo nhất Thụy Sĩ, giờ đây, Zug đã phát triển nhờ công nghệ chuỗi khối. Thành phố Zug đã vươn lên đứng thứ hai của Thụy Sĩ, chỉ sau bang Basel City và vượt qua cả những bang giàu có như Geneva hay Zurich. Zug là điển hình, hình mẫu cho việc một địa phương nhỏ nhưng biết cách tận dụng công nghệ mới để thay đổi vị thế và vươn lên bắt kịp.

Tại Hàn Quốc, Busan là thành phố lớn thứ 02 với hơn 3,3 triệu dân đã được chỉ định thí điểm là đặc khu về chuỗi khối từ tháng 7/2019. Theo thông tin được công bố bới Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp quốc gia, trong vòng xét duyệt đầu tiền vào tháng 7 năm 2019, có 07 thành phố và địa phương được lựa chọn để thí điểm xây dựng đặc khu phi quy định (Regulation-free Special Zone) để thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới. Đặc khu chuỗi khối được thiết lập với mục đích tạo không gian thân thiện, các điều kiện pháp lý thuận lợi với các hoạt động về blockchain; nuôi dưỡng và tạo môi trường thử nghiệm với các sản phẩm, dịch vụ phát triển từ công nghệ blockchain. Ngoài Busan, chính quyền tỉnh Jeju ở phía nam Hàn Quốc cũng có tham vọng sẽ xây dựng đảo Jeju trở thành trung tâm chuỗi khối ở Châu Á.

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra Khung Cơ chế thử nghiệm từ năm 2018 như một trong những cơ chế cải cách quy định nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện hóa các công nghệ và mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo ở Nhật Bản. Bốn lĩnh vực trọng tâm cụ thể đã được nhấn mạnh, gồm: IoT, AI, Big Data và Blockchain. Trong hầu hết các trường hợp, thời gian thử nghiệm dao động từ vài tuần đến 12 tháng. Trong lĩnh vực chuỗi khối, công ty Crypto Garage Inc. được lựa chọn đầu tiên để tiến hành dự án thử nghiệm về dịch vụ tài chính dựa trên công nghệ chuỗi khối theo Khung Cơ chế thử nghiệm ở Nhật Bản. Trong dự án này, Crypto Garage cung cấp cho các sàn giao dịch tiền mã hóa tham gia SETTLENET, cho phép các sàn giao dịch phát hành một đồng tiền mã hóa ổn định (stablecoin) được chốt bằng Yên Nhật (JPY-Token) trên “Liquid Network” và giao dịch với Liquid Bitcoin (L-BTC) được gắn với Bitcoin trên chuỗi bên của Bitcoin (Bitcoin side-chain) do Blockstream Corporation đưa ra. SETTLENET sẽ cung cấp cho các cơ quan quản lý dữ liệu giám sát bất kỳ giao dịch nào được thực hiện trên hệ thống. Thời hạn thử nghiệm của dự án là 01 năm, các sàn giao dịch tiền mã hóa tham gia được giới hạn ở những người có Giấy phép trao đổi tài sản tiền điện tử của Nhật Bản, giới hạn số lượng giao dịch. Trong thời gian thử nghiệm, Crypto Garage cung cấp SETTLENET miễn phí cho các bên tham gia.

Tại Trung Quốc, chuỗi khối đang được nghiên cứu, đánh giá và hoàn thiện thêm trong các dự án thử nghiệm (sandbox) từ tháng 12/2019, tại các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc (Thâm Quyến, Thượng Hải, Quảng Châu, Tô Châu, Trùng Khánh, Hàng Châu, Bắc Kinh, Thành Đô và Khu vực mới Xiong’an). Chính sách thử nghiệm hỗ trợ các thành phố trong việc xây dựng các sản phẩm và dịch vụ ứng dụng chuỗi khối. Thâm Quyến là đặc khu kinh tế đầu tiên thông báo sẽ sử dụng công nghệ chuỗi khối để phát hành hóa đơn điện tử, với mục đích nâng cao tính minh bạch và cải thiện tốc độ sử lý dịch vụ. Đầu năm 2022, Trung Quốc đã chỉ định một số thành phố và tổ chức thử nghiệm các ứng dụng chuỗi khối. Thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải, Quảng Châu là một phần của các dự án thử nghiệm. Các cơ quan chính quyền địa phương, trường đại học, ngân hàng, bệnh viện, công ty xe hơi và công ty điện lực nằm trong số 164 đơn vị được lựa chọn để thực hiện các dự án ứng dụng chuỗi khối thử nghiệm. Các dự án thử nghiệm khai thác thế mạnh của chuỗi khối để ứng dụng trong các lĩnh vực như chia sẻ dữ liệu, tối ưu hóa quy trình kinh doanh và giảm chi phí hoạt động.

Kết luận:

Việc ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) ở mỗi quốc gia là hết sức cần thiết và cấp thiết. Tại Việt Nam, ngày 22/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm “Phát triển công nghệ chuỗi khối toàn diện, tiếp cận tới toàn dân.... Để đạt được mục tiêu đó, công nghệ chuỗi khối cần được phổ thông và xã hội hóa để có thể tiếp cận tới các lĩnh vực, ngành nghề khác, cũng như đến toàn thể nhân dân”. Đây có thể xem là một bước tiến lớn trong cơ chế, chính sách của Việt Nam cho vấn đề công nghệ chuỗi khối.

 

Trinh Thị Trang – Phòng Quản lý Đầu tư

Danh mục tài liệu tham khảo:

1.https://www.mss.go.kr/site/eng/ex/bbs/View.do?cbIdx=244&bcIdx=1021525 (Ministry of SME and Startup)

2.https://vietnamnet.vn/tu-thanh-pho-co-tro-thanh-thu-phu-blockchain-769681.html

3. Regulatory Sandbox – Áp dụng cơ chế thử nghiệm ở một số nền kinh tế trên thế giới hiện nay và hàm ý chính sách cho Việt Nam, NASATI, 2021.

4.https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/02/02-2022-Critical-and-Emerging-Technologies-List-Update.pdf

5. https://zingnews.vn/dau-la-thung-lung-bitcoin-cua-the-gioi-post762360.html

6. Blockchain-based Service Network Introductory whitepaper

7. http://www.xinhuanet.com/english/2019-10/25/c_138503254.htm

8.https://www.bmwi.de/Redaktion/EN/Publikationen/Digitale-Welt/blockchain-strategy.pdf?__blob=publicationFile&v=3

9. DigiLocker: Nền tảng dịch vụ trực tuyến cung cấp cho mỗi công dân một tài khoản để truy cập các hồ sơ, tài liệu như giấy phép lái xe, bằng đại học, chứng chỉ… trên đám mây.

10. ePramaan: Nền tảng xác thực điện tử, đăng nhập một lần tích hợp với các ứng dụng cấp quốc gia và tại các tiểu bang

11. eSign: dịch vụ chữ ký điện tử trên cơ sở hạ tầng khóa công khai PKI.

12.https://www.globallegalinsights.com/practice-areas/blockchain-laws-and-regulations/india

13. https://www.meity.gov.in/writereaddata/files/National_BCT_Strategy.pdf

14. https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/blockchain-strategy

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 401
    • Khách Khách 400
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3889952