Đang xử lý.....

Chiến lược của các quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (phần 1)  

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang làm thay đổi các hoạt động kinh tế - xã hội của con người. Nhiều nước trên thế giới đã và đang xây dựng, thực thi các chính sách khác nhau để chủ động khai thác lợi ích của các công nghệ mới nổi như Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Dữ liệu lớn (Big Data) và một số công nghệ đặc trưng khác của CMCN 4.0, để thúc đẩy phát triển kinh tế, duy trì khả năng cạnh tranh và giải quyết các vấn đề tồn tại do phát triển gây nên.
Thứ Hai, 30/12/2024 5
|

Mở đầu:

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang làm thay đổi các hoạt động kinh tế - xã hội của con người. Nhiều nước trên thế giới đã và đang xây dựng, thực thi các chính sách khác nhau để chủ động khai thác lợi ích của các công nghệ mới nổi như Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Dữ liệu lớn (Big Data) và một số công nghệ đặc trưng khác của CMCN 4.0, để thúc đẩy phát triển kinh tế, duy trì khả năng cạnh tranh và giải quyết các vấn đề tồn tại do phát triển gây nên.

Nghiên cứu này xem xét các chiến lược, đặc biệt là các cách tiếp cận quy định sáng tạo của các quốc gia, có thể giúp Việt Nam tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách, chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển chuỗi khối.

Nội dung:

Khái niệm, định nghĩa về chuỗi khối

Có nhiều định nghĩa khác nhau về chuỗi khối tùy theo mỗi góc nhìn. Một cách khái quát nhất , chuỗi khối là một công nghệ giúp xử lý và lưu trữ thông tin giao dịch một cách an toàn, minh bạch  và tin cậy.

Dưới góc độ kinh tế học chuỗi khối là công nghệ sổ cái phân tán (distributed ledger technology – DLT) sử dụng các thuật toán đồng thuận phi tập trung để lưu giữ hồ sơ về các dữ kiện kinh tế - xã hội. Sổ cái này “phân tán” vì mỗi nút (node) trong một mạng lưới dựa trên Internet lưu giữ một bản sao của sổ cái đó và nó “phi tập trung” vì chỉ được cập nhật khi đạt được sự đồng thuận trên toàn mạng đó về khối (block) dữ kiện tiếp theo được kết hợp vào chuỗi (chain) gồm các khối tạo thành sổ cái. Các khối được liên kết với nhau, khối sau xác thực khối trước nhờ sử dụng kỹ thuật mật mã học (cryptography).

Về bản chất kỹ thuật, chuỗi khối là công nghệ tổng hợp liên quan tới nhiều công nghệ:

- Thứ nhất là Dữ liệu, dữ liệu giao dịch trong chuỗi khối được lưu phân tán ở các bên tham gia. Vì thế theo góc nhìn này, chuỗi khối hay được ghi nhận là một cơ sở dữ liệu phi tập trung, công khai và dùng chung.

- Thứ hai là Mật mã học: chuỗi khối sử dụng các kỹ thuật mật mã học để đảm bảo các tính chất toàn vẹn của dữ liệu, không sửa đổi, không bị phá hoại. Theo góc nhìn này, chuỗi khối lại được ghi nhận là một mạng mã hóa.

- Thứ ba là Mạng máy tính: các máy tính trong chuỗi khối được kết nối mạng ngang hàng (peer-to-peer) để truyền tải thông tin mà không cần có điều phối trung gian. Dưới góc nhìn này, chuỗi khối được hiểu là một mạng ngang hàng phi tập trung.

- Thứ tư là thuật toán đồng thuận: Các thuật toán này được sử dụng để tạo sự đồng thuận giữa các nút trong việc cập nhật dữ liệu. Đây là các quy tắc, nguyên tắc hay quy định, luật lệ được đặt ra sẵn với mục đích thống nhất nội dung của một khối khi được thêm vào chuỗi.

 

Hình 1: Biểu diễn mô hình cách thức hoạt động của chuỗi khối

Cùng với kiến trúc và bản chất kỹ thuật của chuỗi khối là kiến trúc phân tán và ngang hàng, chuỗi khối sẽ tạo nên đột phá về lưu trữ dữ liệu lớn, thách thức các hệ thống lưu trữ tập trung như hiện tại. Giống như Internet đã tạo ra đột phá về mạng truyền thông và thách thức công nghệ viễn thông, hay máy tính cá nhân đã tạo ra đột phá về tính toán, tiện lợi và thách thức các siêu máy tính, như đã từng xảy ra trước đây. Bên cạnh đó, với kiến trúc kết nối mạng ngang hàng, kết nối rất nhiều máy tính với nhau mà không trong một “đám mây” (cloud) nào cả, cùng tham gia xử lý, phát hiện sai sót, tạo thành một “lá chắn thép” chống lại mọi hành vi phá hoại dữ liệu, chuỗi khối còn được coi là một máy tính siêu an toàn và là một bước tiến quan trọng chỉ sau Internet.

Một trong những đặc điểm nổi bật của chuỗi khối đấy là, công nghệ chuỗi khối là một công nghệ đẩy– tức người dùng khởi tạo và đẩy thông tin liên quan lên chuỗi khối cho mỗi giao dịch, chứ không phải là công nghệ kéo – như với thẻ tín dụng và ngân hàng, theo đó thông tin cá nhân của người dùng được lưu trên một hệ thống lưu trữ và có thể được kéo xuống bất kỳ khi nào thông tin đó được sử dụng.

Ngoài ra, CMCN 4.0 không chỉ là cuộc cách mạng về các nền tảng tương tác kinh tế - xã hội và kỹ thuật sản xuất, nó cũng là cuộc cách mạng về công nghệ quản trị, và đây là lý do mà công nghệ chuỗi khối là một trong những công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0. Chuỗi khối là một công nghệ “thể chế” cho phép quản trị tư nhân hóa xuất hiện trong các nền tảng dựa trên Internet phục vụ hoạt động tương tác kinh tế - xã hội. Là một đại công nghệ của CMCN 4.0, chuỗi khối cho phép các cộng đồng thiết kế và phát triển các cấu trúc quản trị được tổ chức xung quanh việc lưu trữ một bộ hồ sơ phi tập trung, không thể biến đổi bao gồm các dữ kiện thực tế về kinh tế - xã hội phù hợp theo nhu cầu của họ. Trong CMCN 4.0, nếu như Internet cung cấp hạ tầng cơ bản cho hoat động tương tác kinh tế - xã hội và AI cung cấp công nghệ sản xuất, thì Blockchain sẽ cung cấp công nghệ quản trị thể chế.

Lợi ích và rủi ro khi sử dụng chuỗi khối

- Công nghệ chuỗi khối thể hiện nhiều ưu điểm và mang đến nhiều lợi ích rõ ràng khi triển khai thực tế. Tiêu biểu như:

- Tính minh bạch: cung cấp khả năng truy cập dữ liệu tới tất cả người sử dụng trong mạng lưới; mọi thay đổi dữ liệu đều phải đạt được xác nhận và đồng thuận đa số; được cập nhật gần sát thời gian thực tới tất cả các nốt trong mạng lưới.

- Tính trực tiếp (loại bỏ đơn vị trung gian): Các hệ thống xây dựng dựa trên chuỗi khối cho phép các bên thiết lập và giao dịch trực tiếp với nhau thay vì qua một bên thứ ba trung gian.

- Tính phi tập trung: Các hệ thống triển khai dựa trên công nghệ chuỗi khối có thể hoạt động trên mạng lưới máy tính phi tập trung, từ đó giảm thiểu rủi ro bị tấn công, máy chủ không hoạt động và thất thoát dữ liệu.

- Tính tin cậy (niềm tin): Các hệ thống xây dựng dựa trên công nghệ chuỗi khối gia tăng niềm tin giữa các bên giao dịch nhờ tính minh bạch được cải thiện và mạng lưới phi tập trung không lệ thuộc vào bên trung gian.

- Tính bảo mật, an toàn: Dữ liệu được nhập vào chuỗi khối sẽ không thể sửa đổi, nhờ đó tránh được tình trạng gian lận qua việc ngụy tạo giao dịch và sửa đổi lịch sử dữ liệu. Các dữ liệu trong chuỗi khối sẽ có lịch sử hoạt động rõ ràng, cho phép truy soát và thẩm tra mọi giao dịch.

- Tiết giảm chi phí: Các giao dịch trong chuỗi khối cho phép được thực hiện mà không cần các lớp xác nhận trung gian, giúp giảm thiểu chi phí kiểm nhận, xác thực và thẩm tra giao dịch trên các tổ chức khác nhau.

- Tăng tốc độ giao dịch: Với khả năng loại bỏ trung gian và lưu trữ phân tán, công nghệ chuỗi khối cho phép tăng tốc độ giao dịch hơn rất nhiều so với hệ thống hiện có.

- Tăng tính sở hữu với tài sản số: Công nghệ chuỗi khối cho phép số hóa tài sản và các giá trị liên quan đến tài sản, phân tách một tài sản thành các phần nhỏ hơn tiện cho việc giao dịch và sở hữu.

Tuy nhiên, công nghệ chuỗi khối cũng bộc lộ những nhược điểm và rủi ro cần tính tới khi cân nhắc lựa chọn, triển khai ứng dụng, như là:

- Thiếu tính riêng tư: Thông tin lưu trữ trên chuỗi khối không những sẽ được công khai, mà còn có thể được truy cập dễ dàng vào bất cứ thời điểm nào từ bất cứ người dùng nào trên hệ thống.

- Gia tăng chi phí khi chuyển đổi: Tốn kém thời gian và chi phí khi thực hiện chuyển đổi từ các hệ thống hiện hành sang ứng dụng công nghệ chuỗi khối.

- Công nghệ chưa được kiểm chứng và những đồn thổi: Các công nghệ chuỗi khối là công nghệ mới, chưa được chứng thực và hiện mới được biết đến nhiều qua các ứng dụng về tiền mã hóa và một số dịch vụ tài chính, chưa có nhiều kết quả xác thực về lĩnh vực ứng dụng cũng như quy mô triển khai trong thực tế.

- Công nghệ nguy hiểm nếu như không có khung tiêu chuẩn, quy chuẩn: Công nghệ chuỗi khối đã từng được xem là có thể thay thế tiền tệ trong lưu thông và giao dịch hàng hóa. Tuy nhiên hiện nay, công nghệ chuỗi khối vẫn đang mắc kẹt trong định nghĩa về tiền ảo, chiếm đoạt tài sản ảo, các vụ rửa tiền xuyên biên giới... Việc kiểm soát và xử phạt sẽ rất khó để thực hiện nếu như không có quy chuẩn và tiêu chuẩn cụ thể.

Ngoài ra, các nhà phát triển các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ chuỗi khối phải đối mặt với một thách thức để đạt được ba yếu tố, gồm (1) sự bảo mật; (2) đảm bảo tính phi tập trung; và (3) khả năng mở rộng của chuỗi khối.

Kết luận:

Về cơ bản, công nghệ chuỗi khối là một xu hướng mới, nhận được rất nhiều sự quan tâm của thị trường, xã hội. Ngoài một số lĩnh vực ứng dụng đã thể hiện kết quả rõ ràng như tiền mã hóa, dịch vụ tài chính,… còn lại thì vẫn đang trong quá trình hoàn thiện công nghệ và mô hình kinh doanh, cần thêm thời gian để đạt tới sự trưởng thành./.

Trịnh Thị Trang – Phòng Quản lý Đầu tư

 

Danh mục tài liệu tham khảo:

1. Hanbook on Blockchain, Duc A.Tran, My Thai & Bhaskar Krishnamachari, Springer Nature, 2022

2. CMCN 4.0 dưới góc độ kinh tế học – Internet, AI, Blockchain

3. Thinking outside the Blocks – A strategic perspective on Blockchain and Digital Tokens, BCG, 2017

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1004
    • Khách Khách 1003
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3890625