Cổng TTĐT Bộ TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng tại buổi làm việc.
Ngành Xuất bản, In và Phát hành (sau đây sẽ gọi tắt là ngành Xuất bản) là một ngành lớn. Vừa Chính trị, vừa Văn hoá, vừa Kinh tế. Chính trị là giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng. Văn hoá là qua sách để lưu trữ, tích luỹ và bồi đắp các giá trị Việt Nam. Xuất bản, In và Phát hành là lĩnh vực kinh tế với qui mô trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm và đang tiếp tục tăng trưởng với 57 nhà xuất bản, hàng ngàn cơ sở in, phát hành và hàng trăm ngàn lao động.
Xuất bản, In và Phát hành còn là ngành kỹ thuật, công nghệ. Các công nghệ mới nhất của các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) đều được ứng dụng đầu tiên là vào ngành Xuất bản. Đặc biệt là công nghệ số của CMCN 4.0 sẽ không chỉ được ứng dụng, mà còn làm thay đổi căn bản cách sáng tạo ra sản phẩm, cách sản xuất, phương tiện truyền tải và phân phối của ngành Xuất bản.
Người Việt Nam không đọc ít đi mà đang đọc nhiều hơn do họ có nhiều cách đọc hơn. Thí dụ như, với sự xuất hiện của ChatGPT, chúng ta hỏi những vấn đề quan tâm rồi đọc câu trả lời. Trong những câu trả lời của ChatGPT chắc chắn là có tri thức từ sách. Vậy câu hỏi là, chúng ta nói chuyện với ChatGPT có phải đọc sách không? Câu trả lời “có” hay “không” sẽ quyết định cách chúng ta ứng xử với các cách đọc mới. Nếu câu trả lời là “có”, chúng ta sẽ đưa sách lên môi trường mạng nhiều hơn. Khi đó, ChatGPT như một người giới thiệu sách thay vì là người tiêu diệt sách.
Thấy một ý tưởng hay khi trò chuyện với ChatGPT thì ta có thể hỏi quyển sách nào liên quan để đọc sâu hơn. Rất có thể là do ta đưa thông tin của sách lên mạng mà người ta sẽ biết đến sách và đọc sách nhiều hơn. Báo chí lúc đầu cũng ngại đưa các bài báo hoặc một phần bài báo của mình lên các nền tảng số vì sợ sẽ không còn ai vào báo đọc nữa. Nhưng câu chuyện lại ngược lại. Trên 50% người đọc báo điện tử hiên nay là vào từ các nền tảng số. Họ đọc trên nền tảng, hoặc chia sẻ nhau về bài báo rồi quan tâm và vào đọc bài báo gốc.
Câu chuyện thành công của Twitter và Tik Tok là rất đáng suy ngẫm. Facebook thì bài viết dài đến hàng ngàn chữ và thành công nhưng Twitter thì chỉ cho phép mỗi chia sẻ vài chục chữ và cũng thành công, Youtube thì mỗi video có thể hàng giờ và thành công. Tik Tok thì lại ngược lại, mỗi video vài phút và cũng thành công. Gần đây, chúng ta thấy thế hệ trẻ thay vì xem phim thì xem nhiều các video tóm tắt phim.
Trong một thế giới quá nhiều thông tin thì cái ngắn lên ngôi. Cái ngắn có cái hay là cô đọng, thông điệp rõ ràng, đặc biệt là tiết kiệm thời gian. Cái ngắn rồi sẽ dẫn đến cái dài. Không nên sợ cái ngắn sẽ thay cái dài. Con người lướt nhanh cái ngắn, dừng lại ở cái quan tâm, đọc hết cái ngắn và bước sau đó có thể là đến cái dài. Nên coi cái ngắn và cái dài là trong một hệ sinh thái bổ trợ nhau. Nếu tiếp cận theo cách này thì cái mới và cái cũ là một sự hợp tác thay vì tiêu diệt nhau.
Sách có thể làm như vậy không? Nếu có phiên bản sách tóm tắt, số trang giảm đi 10-20 lần, thì mỗi người Việt Nam mỗi năm sẽ đọc nhiều quyển sách hơn, mặc dù là phiên bản tóm tắt với các tri thức và tư tưởng chính. Tri thức của người Việt Nam vì thế mà tăng lên đáng kể và số người đọc sách nguyên bản cũng vì thế mà tăng lên.
Phiên bản ngắn có thể do chính tác giả viết. Phiên bản ngắn cũng có thể do nhà xuất bản làm. AI có thể giúp chúng ta tóm tắt sách theo yêu cầu, chất lượng chắc cũng được 80-90%, người biên tập làm thêm 10-20% còn lại. Vậy là câu chuyện tóm tắt sách cũng dễ đi, làm nhanh hơn với sự trợ giúp của công nghệ.
Làm xuất bản bây giờ là làm ra nhiều phiên bản của sách phù hợp với mỗi loại nền tảng. Báo chí đã đa nền tảng thì sách bây giờ cũng phải chuyển đổi đa nền tảng. Vậy là nghề xuất bản bây giờ không chỉ còn là làm nội dung mà còn là làm công nghệ. Ít thì cũng 30% nhân lực của xuất bản phải là công nghệ. Nhà xuất bản có thể tự làm công nghệ hoặc hợp tác. Cái gì dễ thì làm, cái gì khó thì hợp tác. Bởi vì, cái gì dễ với mình thì chắc ít ai làm được, cái gì khó với mình thì ngoài kia sẽ có người làm rất dễ.
Thời chuyển đổi số thì một quyển sách ra đời là phải nghĩ ngay đến các phiên bản của nó. Phiên bản trên Facebook, Youtube là thế nào? Phiên bản trên Tik Tok, Zalo, phiên bản để Google tìm kiếm là gì? Rồi phiên bản để ChatGPT đưa vào hệ tri thức của nó ra sao? Phiên bản tóm tắt, phiên bản điện tử đầy đủ, phiên bản hoạt hình, phiên bản nhắn tin trên di động, phiên bản dưới dạng các câu trích dẫn ngắn để khai sáng, gây cảm hứng tư duy, phiên bản âm thanh, rồi cả phiên bản in đẹp và cao cấp, v.v...
Quyển sách vẫn là quyển sách, nhưng vô vạn hình tướng. Vô vạn hình tướng là cách để sách đến được hàng triệu người. Một quyển sách in có thể tiếp cận chỉ hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn người nhưng hình tướng ngắn gọn và đa nền tảng của nó có thể tới được hàng triệu người và nhiều hơn thế nữa, vì thế mà giá trị của nó cũng tăng lên.
Không nên ngại vô vạn hình tướng vì con người có xu thế tìm đến cái gốc khi thực sự quan tâm và đó là tương lai của sách. Nhưng để vô vạn hình tướng và đa nền tảng thì chỉ có công nghệ, nhất là công nghệ số mới có thể giúp được. Vậy là sách bây giờ có thể đi xa hơn trước đây rất nhiều. Tương lai của sách là sáng lạn, nếu nhìn dưới góc nhìn này.
Đưa sách lên một nền tảng số thì không chỉ là giới thiệu sách mà còn có thể là một phiên bản thu tiền, hoặc một phiên bản miễn phí nhưng vì view cao mà có nguồn thu từ quảng cáo. Vậy là cách để thu tiền từ sách cũng sẽ rất đa dạng.
Đưa sách lên môi trường số thì có vấn đề bản quyền số. Đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước, của Bộ TT&TT. Cục Xuất bản, In và Phát hành phải coi việc xây dựng thể chế số cho ngành Xuất bản là ưu tiên hàng đầu.
Xây dựng một nền tảng số làm sách cho các nhà xuất bản, cung cấp các công cụ tự động và thông minh cho người làm sách từ khâu sáng tác, biên tập, sản xuất, giới thiệu, truyền thông và phân phối đa nền tảng, làm ra nhiều phiên bản đa hình tướng của sách, rồi đến thu thập phản hồi của người đọc, tương tác với người đọc, rồi người đọc cũng tham gia vào các công đoạn của sách, phân tích dữ liệu để phục vụ riêng từng khách hàng theo hướng đối tượng, phân tích dữ liệu để phát hiện xu thế,...
Một nền tảng số mở sẽ thu hút được nhiều nguồn lực để làm sách, có thể là vô hạn. Vậy hãy mở cái “box” của mình. Hợp tác, đặc biệt là hợp tác với các công ty công nghệ số, là lời giải chính cho ngành Xuất bản.
Muốn đổi mới, muốn tái tạo thì thường phải tìm về gốc.
Gốc của sách là phương tiện truyền tải. Có các phương tiện truyền tải mới trên môi trường số thì nên dùng. Gốc của viết sách là sáng tạo ra tri thức. Bây giờ có thêm các cách mới để sáng tạo ra tri thức, có công cụ để nhiều người hơn có thể sáng tạo và lan toả tri thức. Nhà xuất bản có thể trở thành một nền tảng cung cấp công cụ cho nhiều người viết sách.
Gốc để phát triển sách, phát triển xuất bản là có người đọc, có nhiều người đọc. Tức là có thị trường. Vậy hãy bắt tay vào khuyến đọc. Nhiều quốc gia có giờ đọc trong trường phổ thông. Những người có uy tín, chính trị gia, doanh nhân, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng hãy đọc sách và tham gia giới thiệu sách. Lập lại chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách” trên truyền hình, trên báo.
Xuất bản cũng là kinh doanh. Kinh doanh thì phải có thương hiệu. Thương hiệu được tạo nên bởi sự khác biệt. Chúng ta có nhiều nhà xuất bản và mỗi nhà xuất bản phải có thương hiệu của riêng mình để không lẫn với các nhà xuất bản khác. Nếu tất cả các nhà xuất bản giống nhau thì chắc chỉ cần một nhà xuất bản.
Kinh doanh thì cần giới thiệu, quảng bá. Các nhà sách đang “nghèo” sẽ thật khó khăn trong quảng bá. Các nhà mạng viễn thông Việt Nam có thể giúp xuất bản Việt Nam, giúp sách Việt Nam bằng cách mỗi tuần chuyển miễn phí một tin nhắn tới người dân về sách không? Hành động này có thể nhỏ nhưng với sách thì lại là quá lớn.
Chuyển đổi số ngành xuất bản và chung tay Việt Nam cho sách Việt Nam là lời giải của chúng ta.
Sách muốn tái sinh thì vẫn phải đi con đường Việt Nam, tức là dân tộc hoá vẫn phải hiện đại hoá bằng công nghệ số, vẫn phải đại chúng hoá thông qua đa nền tảng.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Nguồn: https://mic.gov.vn/