Mở đầu:
Hệ thống định mức phục vụ công tác đầu tư, mua sắm thuộc lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin là cơ sở để lập và quản lý chi phí đầu tư, mua sắm trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, là cơ sở để các cơ quan, đơn vị thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn xác lập định mức, đơn giá trong từng thời kỳ.
Tại Nghị định 48/2022/NĐ-CP ngày 26/7/2022, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm vụ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật.
Hình [1]: Minh họa công tác quản lý định mức
I. CÁC ĐỊNH MỨC PHỤC VỤ CÔNG TÁC ĐẦU TƯ, MUA SẮM
Hệ thống định mức phục vụ công tác đầu tư, mua sắm ứng dụng công nghệ thông tin đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành. Đến nay, số lượng các định mức cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
1. Các văn bản Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng
Tính đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành được 05 định mức và 02 đơn giá, 02 văn bản hướng dẫn xác định chi phí đầu tư CNTT, bao gồm:
(1) Định mức lắp đặt phần cứng và cài đặt phần mềm trong ứng dụng công nghệ thông tin (Quyết định số 1601/QĐ-BTTTT ngày 03/10/2011, Quyết định số 1235/QĐ-BTTTT ngày 04/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông);
(2) Định mức tạo lập cơ sở dữ liệu trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (Quyết định số 1595/QĐ-BTTTT ngày 03/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông);
(3) Định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin (Quyết định số 2331/QĐ-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông);
(4) Định mức kinh tế - kỹ thuật triển khai áp dụng phần mềm nguồn mở (Quyết định số 1872/QĐ-BTTTT ngày 14/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông);
(5) Định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (Quyết định số 1688/QĐ-BTTTT ngày 11/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông);
(6) Hướng dẫn xác định chi phí phần mềm nội bộ (Quyết định số 671/QĐ-BTTTT ngày 26/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông);
(7) Hướng dẫn phương pháp xác định chi phí kiểm thử chất lượng phần mềm (Công văn số 3787/BTTTT-THH ngày 26/12/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông).
(8) Đơn giá lắp đặt phần cứng và cài đặt phần mềm trong ứng dụng công nghệ thông tin (Quyết định số 2519/QĐ-BTTTT ngày 04/9/2014, chỉ áp dụng riêng cho Bộ Thông tin và Truyền thông của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông);
(9) Đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (Quyết định số 129/QĐ-BTTTT ngày 03/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông);
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bảo đảm tuân thủ theo các quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ (Văn bản số 2835/BTTTT-CĐSQG ngày 17/7/2023 về tổng hợp nội dung trả lời kiến nghị về thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin; Văn bản số 5440/BTTTT-CĐSQG ngày 25/10/2023 về định mức kinh tế - kỹ thuật trong quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước; Văn bản số 6184/BTTTT-CĐSQG ngày 14/12/2023 về hướng dẫn áp dụng, sử dụng các định mức, đơn giá, mức chi trong quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước, Văn bản số 3127/BTTTT-CĐSQG ngày 31/07/2024 về tăng cường hiệu quả quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số năm 2024,…).
2. Các văn bản đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng
Ngày 26/02/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Quyết định số 235/QĐ-BTTTT phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật giai đoạn 2020-2022, trong đó, giao nhiệm vụ xây dựng định kinh tế - kỹ thuật thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ công tác đầu tư, mua sắm bao gồm:
(1) Định mức điều tra, khảo sát để lập dự án ứng dụng công nghệ thông tin;
(2) Định mức tạo lập cơ sở dữ liệu trong hoạt đông ứng dụng công nghệ thông tin (sửa đổi, bổ sung);
(3) Định mức lắp đặt phần cứng và cài đặt phần mềm trong ứng dụng công nghệ thông tin (sửa đổi, bổ sung).
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì chưa có định mức nào được ban hành.
3. Văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành khác
Ngoài các định mức, đơn giá và văn bản hướng dẫn xác định chi phí đầu tư công nghệ thông tin đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, các bộ, ngành cũng xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan, bao gồm:
- Phí thẩm định dự án: Thông tư số 28/2023/TT-BTC ngày 12/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng.
- Chi phí kiểm toán độc lập; thẩm tra, phê duyệt quyết toán: Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
- Chi phí đào tạo hướng dẫn sử dụng; chi phí đào tạo cho cán bộ quản trị, vận hành hệ thống (Đối với hạng mục đào tạo chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật): Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày 31/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC.
- Định mức kinh tế - kỹ thuật tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ: Thông tư số 04/2014/TT-BNV ngày 23/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định định mức kinh tế - kỹ thuật tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.
- Chi công tác phí, chế độ hội nghị: Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị.
- Chi phí giám sát, đánh giá đầu tư: Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
- Chi thuê chuyên gia tư vấn trong nước: Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước.
- Chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; chi phí đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu (trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu trực tiếp thực hiện): Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
II. CÁC ĐỊNH MỨC PHỤC VỤ DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG; DUY TRÌ, VẬN HÀNH
Tại Quyết định số 1265/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong đó, có 09 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.
Về định mức duy trì vận hành: hiện tại rất nhiều các định mức chưa được ban hành; hiện đang áp dụng, vận dụng các văn bản khác nhau.
1. Các văn bản Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu, xây dựng
a) Các định mức về dịch vụ sự nghiệp công
Hiện đang xây dựng, chưa có định mức nào được ban hành.
b) Các văn bản về duy trì, vận hành
Hiện áp dụng, vận dụng các định mức, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác như:
- Chi phí thực hiện công tác ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng: Thông tư số 121/2018/TT-BTC ngày 12/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy đinh về lập dụ toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí để thực hiện công tác ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng.
- Việc thuê tổ chức, cá nhân bên ngoài thực hiện những công việc tạo lập thông tin điện tử trên mạng máy tính, tạo lập và chuyển đổi thông tin hoặc số hoá thông tin thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
- Định mức kinh tế - kỹ thuật tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ: Thông tư số 04/2014/TT-BNV ngày 23/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định định mức kinh tế - kỹ thuật tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.
- Chi xây dựng đề án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT có tính chất nghiên cứu KH&CN, chi xây dựng tiêu chuẩn, định mức, đơn giá chuyên ngành CNTT, chi xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án ứng dụng CNTT, văn bản hướng dẫn phục vụ quản lý nhà nước về CNTT: Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ.
2. Các văn bản đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng
Ngày 26/2/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Quyết định số 235/QĐ-BTTTT phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật giai đoạn 2020-2022, trong đó, giao nhiệm vụ xây dựng định kinh tế - kỹ thuật thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin bao gồm:
a) Các định mức về dịch vụ sự nghiệp công:
(1) Định mức điều phối hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của các cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;
(2) Định mức thu thập, phân tích và cảnh báo nguy cơ, sự cố tấn công mạng cho các cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;
(3) Định mức diễn tập phòng chống tấn công mạng đảm bảo an toàn thông tin cho các lĩnh vực quan trọng của Đảng, Nhà nước;
(4) Định mức hỗ trợ phòng, chống, ngăn chặn thư rác;
(5) Định mức hỗ trợ phòng, chống, ngăn chặn tin nhắn rác;
(6) Định mức giám sát an toàn thông tin cho các lĩnh vực quan trọng và hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử;
(7) Định mức rà quét, xử lý mã độc cho các cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
(8) Định mức kiểm định, đánh giá an toàn thông tin mạng trong cơ quan nhà nước;
(9) Định mức kiểm tra, đánh giá, phát hiện lỗ hổng bảo mật, điểm yếu an toàn thông tin cho các cơ quan nhà nước;
(10) Định mức Giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam;
b) Các văn bản về duy trì, vận hành
(11) Định mức quản trị, duy trì, vận hành, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
Đến thời điểm hiện tại thì chưa có định mức nào được ban hành.
III. TỒN TẠI, HẠN CHẾ
1. Đối với định mức phục vụ đầu tư, mua sắm
Về cơ bản, các định mức phục vụ đầu tư, mua sắm đã đầy đủ, cơ bản đáp ứng được về mặt số lượng. Tuy nhiên vẫn có các tồn tại, hạn chế sau:
a) Các định mức ban hành khá lâu (khoảng 10 năm), cần rà soát, sửa đổi, cập nhật như:
- Định mức lắp đặt phần cứng và cài đặt phần mềm trong ứng dụng công nghệ thông tin (ban hành ngày 03/10/2011, sửa đổi ngày 04/9/2014);
- Định mức tạo lập cơ sở dữ liệu trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (ban hành ngày 03/10/2011);
- Xác định chi phí kiểm thử chất lượng phần mềm (ban hành ngày 26/12/2014);
b) Định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước (Quyết định 1688/QĐ-BTTTT ngày 11/10/2019): định mức chi phí thiết kế thấp; thiếu định mức chi phí tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin;…
c) Cấp bậc nhân công quy định trong các bộ định mức kinh tế - kỹ thuật hiện hay được vận dụng quy định tại Bảng 3 - Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Trong khi đó, Chính phủ dự kiến ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 nêu trên.
Ngoài ra, từ 2013 đến nay, chưa có văn bản quy định chung về thang lương, bảng lương và định mức lao động cho khối doanh nghiệp chung áp dụng trong cả nước. Tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, trong đó chỉ quy định nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương “Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, doanh nghiệp xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ.”. Như vậy, doanh nghiệp tự xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương cho đơn vị mình.
Dẫn đến, việc xác định cấp bậc nhân công trong các bộ định mức kinh tế - kỹ thuật trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn khi áp dụng.
d) Có sự chồng chéo, không đồng bộ các quy định liên quan đến tạo lập CSDL trong hoạt động ứng dụng CNTT: Liên quan đến nội dung tạo lập CSDL, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 1595/QĐ-BTTTT ngày 03/10/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 04/2014/TT-BNV.
đ) Hiện chưa ban hành định mức về công tác điều tra, khảo sát để lập dự án ứng dụng công nghệ thông tin. Do đó, các đơn vị đều tự lập dự toán hạng mục chi phí này dẫn đến việc triển khai không thống nhất.
e) Một số chi phí khác phục vụ triển khai dự án do các bộ, ngành khác quy định chỉ quy định cho các dự án xây dựng công trình, nên không thể áp dụng mà chỉ có thể vận dụng:
- Phí thẩm định dự án đầu tư: Thông tư số 28/2023/TT-BTC ngày 12/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, chưa có mục riêng cho công nghệ thông tin.
2. Đối với định mức phục vụ phục vụ dịch vụ sự nghiệp công; duy trì, vận hành:
a) Về định mức cho dịch vụ sự nghiệp công:
Chưa ban hành được định mức nào.
b) Về định mức duy trì, vận hành:
Mới có một số định mức, mức chi. Tuy nhiên, định mức quan trọng nhất là định mức về quản trị, duy trì, vận hành thì vẫn chưa được ban hành.
Kết luận:
Công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung định mức thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin vấn đề khó, liên quan đến công tác chuyên môn của nhiều đơn vị, việc xây dựng định mức gắn liền với hệ thống thang lương, bảng lương. Ngoài ra, việc xây dựng, sửa đổi định mức mất nhiều kinh phí, thời gian,... Do đó, cần thiết phải xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể, xác định nguồn kinh phí và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chuyên môn để xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các bộ định mức thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin./.
Đỗ Thị Thảo Hiền
Tài liệu tham khảo:
- Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/8/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
- Nghị định 48/2022/NĐ-CP ngày 26/7/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Quyết định số 235/QĐ-BTTTT ngày 26/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật giai đoạn 2020-2022;
- Quyết định số 1265/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông;
- Các văn bản công bố, hướng dẫn định mức của Bộ Thông tin và Truyền thông và của các bộ, ngành liên quan.