Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần khẳng định: Một đất nước muốn hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc thì phải có một giấc mơ lớn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tháng 1/2021 đã nói đến giấc mơ đó là khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu: Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm. Để hiện thực hóa giấc mơ Việt Nam hùng cường, thịnh vượng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã định hướng, không có con đường nào khác là chúng ta phải nhanh chóng thực hiện công cuộc Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện đất nước với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.
Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định) phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì triển khai, chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. Đây là trách nhiệm nặng nề nhưng thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ TT&TT.
Đây là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia.
Ảnh minh hoạ
Thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế số và xã hội số
Thể chế kiến tạo phát triển kinh tế số, xã hội số và đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm sự bình đẳng trong việc tuân thủ pháp luật giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Hạ tầng số phải đi trước một bước, phát triển với tốc độ nhanh theo hướng Việt Nam làm chủ công nghệ lõi. Nhân lực số gồm lực lượng chuyên gia, nhân lực công nghệ số và người dân được phổ cập kỹ năng số đóng vai trò quyết định cho phát triển kinh tế số, xã hội số quốc gia. Mỗi người dân trở thành một doanh nhân số, mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thành một doanh nghiệp số, ứng dụng công nghệ số để kinh doanh trên môi trường mạng. Tái cấu trúc, tối ưu hóa, gia tăng tỷ trọng và thẩm thấu kinh tế số trong toàn bộ nền kinh tế. Nhanh chóng chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, phát triển các mô hình kinh doanh mới, mở ra không gian tăng trưởng mới.
Phát triển kinh tế số, xã hội số theo hướng phát triển nhanh và bền vững, toàn diện và có trọng điểm
Quyết định chỉ rõ, trong quá trình phát triển, với những mô hình đã chín muồi, đã chứng minh được hiệu quả thực tiễn thì nhanh chóng nhân rộng, đẩy mạnh triển khai. Với những mô hình mới chưa có quy định rõ ràng thì cho phép thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện mô hình trước khi triển khai nhân rộng. Cùng với đó, cần tập trung phát triển toàn diện các yếu tố nền móng cho kinh tế số, xã hội số và xác định một số ngành, lĩnh vực trọng tâm cần tập trung triển khai.
Phát triển kinh tế số và xã hội số phải gắn liền với xây dựng và củng cố chủ quyền số quốc gia. Chủ động hội nhập quốc tế, mở cửa thị trường cân đối với phát triển sản xuất trong nước, thu hút nguồn lực đầu tư một cách chọn lọc, phù hợp với chiến lược quốc gia. Quản lý rủi ro trong quá trình chuyển đổi lên môi trường số, phát triển kinh tế số và xã hội số an toàn. Bảo vệ người dân, doanh nghiệp trước những nguy cơ, rủi ro, tác nhân xấu xâm hại tới lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp đồng thời chú trọng bảo vệ trẻ em và các đối tượng yếu thế trên môi trường mạng.
Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP năm 2025 và 30% GDP năm 2030
Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.
Quyết định đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%.
Trong lĩnh vực xã hội số, mục tiêu cơ bản đến năm 2025 cụ thể: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%; Tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 80%; Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%; Tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 100%; Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 95%.
Phát triển nền móng kinh tế số, xã hội số
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, Quyết định 411 khẳng định nhiệm vụ xuyên suốt, có mức độ ưu tiên cao nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý. Điểm đột phá là ban hành chính sách, quy định thúc đẩy các hoạt động trực tuyến diễn ra nhiều hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn. Cụ thể, cần xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực thi Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và các văn bản hướng dẫn Luật để công nhận đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ, dữ liệu, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử; tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử.
Đồng thời, cần xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sand box) đối với các dịch vụ số mới, các mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng.
Để kinh tế số, xã hội số phát triển, hạ tầng phải đi trước một bước. Do đó, cần phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là nhanh chóng phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ cập Internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi doanh nghiệp.
Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. Cần nắm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực. Mỗi nền tảng số quốc gia có một cơ quan chủ quản là một bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân một tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc một doanh nghiệp để chủ trì điều phối, đặt hàng, phối hợp với Bộ TT&TT và một số doanh nghiệp nòng cốt để thúc đẩy phát triển.
Dữ liệu số: Dữ liệu là nguyên liệu không tiêu hao, càng chia sẻ, khai thác, sử dụng thì càng phát huy giá trị. Việc tạo lập, phân loại, dán nhãn dữ liệu, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu và quản trị dữ liệu là yếu tố quyết định thúc đẩy cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân chuyển từ sở hữu riêng dữ liệu sang cùng tạo lập, chia sẻ và khai thác dữ liệu. Điểm đột phá là phát triển dữ liệu chủ trong các cơ sở dữ liệu quốc gia có độ chính xác cao làm dữ liệu gốc và dữ liệu mở đặc thù của Việt Nam để phân tích, xử lý, dán nhãn phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo.
An toàn thông tin mạng và an ninh mạng: Phát triển năng lực quản lý các nền tảng số, xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin để mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số. Điểm đột phá là phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng mức cơ bản tới người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Quyết định còn đề cập đến nhiều lĩnh vực trọng tâm khác như: Nhân lực số, kỹ năng số, công dân số, văn hoá số, doanh nghiệp số, thanh toán số.
Các nhóm giải pháp
Để thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số, Quyết định 411 đề ra nhiều giải pháp. Cụ thể: Tổ chức hiệu quả hoạt động của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT là cơ quan thường trực, thống nhất điều phối quốc gia một cách đồng bộ về phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tổ chức các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng khối phố, thôn bản, từ đó hình thành mạng lưới triển khai công nghệ rộng khắp trên toàn quốc. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bộ TT&TT, các Bộ ngành địa phương, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, phát huy vai trò của các bên trong phát triển kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó, còn có các nhóm giải pháp khác gồm: Hợp tác trong nước; hợp tác quốc tế; nghiên cứu phát triển; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; đo lường giám sát triển khai; đảm bảo kinh phí; giảm thiểu các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế số, xã hội số.
Quyết định cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ TT&TT và các Bộ ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp nhà nước trong việc thực thi Chiến lược.
Năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số, sau một năm tổng diễn tập về chuyển đổi số. 35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia cần phải được hoàn thành và đưa vào phục vụ hiệu quả người dân, chính quyền và nền kinh tế. Năm 2022, báo chí truyền thông phải thổi bùng lên khát vọng phát triển đất nước hùng cường thịnh vượng. Và năm 2022 sẽ là năm khẳng định năng lực dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và quản lý báo chí truyền thông của Bộ TT&TT. Đây là những mục tiêu đã được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng xác định rõ.
Với việc ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành trong đó có Bộ TT&TT, bằng sự tự tin và quyết tâm, sẵn sàng nhận lấy sứ mệnh dẫn dắt Chuyển đổi số quốc gia, góp phần làm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường./.
https://mic.gov.vn/