VI. Khả năng tương tác ngữ nghĩa đảm bảo rằng định dạng chính xác và ý nghĩa của dữ liệu và thông tin được trao đổi phải được bảo toàn và hiểu rõ trong suốt quá trình trao đổi giữa các cá nhân và tổ chức. Khả năng tương tác ngữ nghĩa bao gồm cả khía cạnh ngữ nghĩa và cú pháp: Khía cạnh ngữ nghĩa đề cập đến ý nghĩa của các thành phần dữ liệu và mối quan hệ giữa chúng. Nó bao gồm các mô hình dữ liệu, từ vựng được kiểm soát và danh sách mã chung để mô tả các trao đổi dữ liệu và đảm bảo rằng các thành phần dữ liệu được hiểu theo cùng một cách cho tất cả các bên tham gia giao tiếp. Khía cạnh cú pháp đề cập đến việc mô tả định dạng chính xác của thông tin được trao đổi về mặt ngữ pháp và định dạng.
Khuyến nghị thứ 23
Hướng tới một mô tả và sự hiểu biết chung về các giải pháp, dữ liệu, công cụ và dịch vụ (định dạng, ý nghĩa của dữ liệu, mối quan hệ giữa các bên), giữa các bên liên quan và giữa các lĩnh vực ở cấp địa phương, khu vực, quốc gia và châu Âu,
Trường hợp điển hình: Khu vực Flanders, Bỉ
Flanders đang thực hiện một dự án đảm bảo cập nhật dữ liệu tự động trong cơ sở dữ liệu – Quyết định của địa phương dưới dạng Local Decisions as Linked Open Data LBLOD.
Dự án được khởi động vào năm 2015 nhằm mục đích công bố các quyết định của địa phương dưới dạng Dữ liệu mở được liên kết cho phép thông tin này có thể được trao đổi tự động giữa chính quyền địa phương và cấp cao hơn, giúp việc tái sử dụng thông tin dễ dàng hơn, giảm gánh nặng hành chính, đơn giản hóa quy trình ra quyết định, minh bạch và cung cấp các dịch vụ tốt hơn và hiệu quả hơn cho cư dân, doanh nghiệp, du khách, tổ chức và quản trị viên thành phố/cộng đồng.
Khi dữ liệu được công bố trực tuyến, dự án này đảm bảo rằng dữ liệu từ các quyết định của địa phương cũng có thể được các tác nhân phi chính phủ sử dụng lại, tạo ra một chính phủ mở, minh bạch và cởi mở với thế giới bên ngoài.
Trường hợp điển hình: Khu vực Trentino, Ý
Liên minh các thành phố Trentino và tỉnh tự trị Trento đã phát triển một nền tảng xã hội-kỹ thuật để quản lý các trang web và dịch vụ kỹ thuật số. Nền tảng này cho phép các thành phố khu vực Trentino trao đổi dữ liệu công khai của họ thông qua việc sử dụng Giao diện lập trình ứng dụng (API), được ghi lại tự động; không cần thỏa thuận giữa các bên và không có chi phí triển khai.
Các Giao diện lập trình ứng dụng tạo ra các tập dữ liệu được cập nhật và theo thời gian thực, được xuất bản dưới dạng Dữ liệu mở, có thể được sử dụng bởi các Ứng dụng di động và chatbot.
Hơn nữa, tính đồng nhất của cấu trúc dữ liệu (được thiết kế theo tiêu chuẩn ISA²) giúp việc tổng hợp và giám sát dữ liệu trở nên khả thi: dữ liệu được thu thập và hiển thị dưới dạng bảng, biểu đồ và bản đồ trên bảng điều khiển giám sát, tự động. Một danh mục các dịch vụ công, một danh mục Dữ liệu mở (bộ sưu tập các API) và một cửa hàng cung cấp các biểu mẫu kỹ thuật số đã được chuẩn bị thông qua các nguồn mở và chi phí rất dễ tiếp cận để đảm bảo sự tương thích – tích hợp về dữ liệu và thông tin giữa các cơ quan công quyền của một số thành phố mà trước đây vốn hoạt động độc lập.
VII. Khả năng tương tác kỹ thuật đề cập đến việc bao gồm các thông số kỹ thuật giao diện, dịch vụ kết nối, dịch vụ tích hợp dữ liệu, trình bày và trao đổi dữ liệu và giao thức truyền thông an toàn. Hơn nữa, khi áp dụng các tiêu chuẩn, chúng phải có sẵn ở định dạng mở. Các thông số kỹ thuật mở phải được điều chỉnh theo từng bối cảnh cụ thể mà chúng sẽ được sử dụng. Ví dụ, theo quan điểm về khả năng tương tác kỹ thuật, Cơ chế tương tác tối thiểu (MIMs Plus) và Khối xây dựng CEF, dựa trên các tiêu chuẩn mở và thông số kỹ thuật mở được thống nhất chung, đảm bảo đạt được khả năng tương tác của dữ liệu, hệ thống và dịch vụ giữa các thành phố và nhà cung cấp trên toàn thế giới và có thể hướng dẫn những người làm việc về khả năng tương tác trong hệ sinh thái Cộng đồng thành phố thông minh.
Khuyến nghị thứ 24
Tạo nhiều dịch vụ theo chiều ngang hơn đối với các nền tảng dữ liệu cục bộ. Để khắc phục tình trạng phân tán trong các lĩnh vực khác nhau, tăng cường khuyến khích sự hợp tác và tham gia giữa cư dân, doanh nghiệp, du khách, tổ chức và người quản lý thành phố/cộng đồng.
Trường hợp điển hình: Thành phố Copenhagen, Đan Mạch
Trao đổi dữ liệu thành phố (CDE) của Copenhagen nhằm mục đích phá vỡ tình trạng phân tán ứng dụng bằng cách tích hợp và chia sẻ dữ liệu thành phố thông qua nỗ lực hợp tác có sự tham gia của 50 công ty. Quy mô kinh tế do chiến lược này mang lại giúp giảm chi phí quản lý dữ liệu cho tất cả những người tham gia.
Thành phố quyết định đầu tư vào việc tạo ra một thị trường để trao đổi dữ liệu của khu vực công và tư nhân. Khoản đầu tư ban đầu được coi là hạt giống hướng tới một thị trường tự duy trì. Đây là một cách tiếp cận sáng tạo để kiểm tra mức độ sẵn sàng của thị trường trong việc cung cấp các giải pháp chia sẻ dữ liệu mới.
Khuyến nghị thứ 25
Phát triển và cung cấp các dịch vụ liền mạch, nơi cư dân, doanh nghiệp, du khách và tổ chức có thể tham gia và xác thực bằng các chương trình eID (xác minh điện tử)
Trường hợp điển hình: Hà Lan
Dự án đô thị eIDAS 2018 là một trong những chương trình triển khai ban đầu đảm bảo nguyên tắc công nhận lẫn nhau của eID châu Âu nhằm truy cập các dịch vụ công được tuân thủ theo quy định eIDAS.
Dự án này cho phép công dân của các quốc gia thành viên EU và các quốc gia EEA (bao gồm các nước EU và cả Iceland, Liechtenstein và Na Uy) chứng minh danh tính của họ bằng eID do quốc gia cấp khi tìm cách truy cập vào khoảng 300 dịch vụ tại 81 thành phố trên khắp Hà Lan.
Dự án này không chỉ cho phép người dùng cuối truy cập dễ dàng hơn vào các dịch vụ công mà còn giảm đáng kể gánh nặng hành chính - không cần phải duy trì nhiều cơ sở dữ liệu và hao phí nguồn lực để đối chiếu và xác minh chéo thông tin xuyên biên giới và các khu vực pháp lý khác nhau.
Giải pháp hiện đang có sẵn cho những người sở hữu eID của Áo, Đức và Bỉ và nên được mở rộng dần sang các quốc gia khác kết nối với mạng eIDAS.
Khuyến nghị thứ 26
Sử dụng các tiêu chuẩn mở và thông số kỹ thuật mở được thống nhất chung để đạt được khả năng tương tác của dữ liệu, hệ thống và dịch vụ, nhằm hỗ trợ các thành phố/cộng đồng và nhà cung cấp trong giai đoạn thiết kế, phát triển và triển khai các dịch vụ mới hoặc thiết kế lại các dịch vụ hiện có.
Trường hợp điển hình: Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản đã khởi động ‘Sáng kiến Siêu thành phố’ nhằm mang lại lợi ích của quá trình chuyển đổi số cho cư dân, doanh nghiệp, du khách, tổ chức và người quản lý thành phố/cộng đồng.
Mục đích của sáng kiến này là đưa các thành phố Nhật Bản vào kỷ nguyên mới về quy hoạch đô thị và cung cấp các dịch vụ tốt hơn và hiệu quả hơn. Sáng kiến Siêu thành phố đặc biệt chú ý và xem xét các chuẩn mực của Châu Âu như Quy định bảo vệ dữ liệu chung, nguyên tắc duy nhất và các cơ chế tương tác tối giản (MIMs Plus) vì chúng là cần thiết để đạt được quá trình chuyển đổi số của các thành phố.
Hình 1- Khung Sáng kiến Siêu thành phố Nhật Bản
Khuyến nghị thứ 27
Sử dụng và nâng cao nhận thức về lợi ích của các tiêu chuẩn mở và thông số kỹ thuật mở trong số các nhà cung cấp dịch vụ Cộng đồng thành phố thông minh, trong giai đoạn thiết kế, phát triển và triển khai.
Trường hợp điển hình: Thành phố Tartu, Estonia
Thành phố Tartu đang phát triển một mô hình thông tin thành phố 3D kết hợp nhiều tập dữ liệu thông tin thành phố có ý nghĩakhi mà những tập dữ liệu này hiện đang tồn tại riêng biệt, ở nhiều định dạng và cơ sở dữ liệu khác nhau.
Mục tiêu của mô hình để xác định các mức độ, giải pháp cần thiết để tích hợp dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu khác nhau với nhiều định dạng khác nhau vào mô hình thông tin thành phố 3D dựa trên các tiêu chuẩn mở, tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tương tác và trao đổi dữ liệu giữa các sản phẩm hoặc dịch vụ khác nhau.
Trường hợp điển hình: Thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha
Trong quá trình mua sắm công, để thiết lập Nền tảng thông minh của Lisbon, việc tuân thủ sử dụng một bộ tiêu chuẩn phải dựa trên Fiware, một nền tảng phần mềm trung gian nguồn mở, là điều bắt buộc.
Nền tảng thông minh của Lisbon là một giải pháp công nghệ cung cấp năng lực giám sát, phân tích và quản lý toàn bộ hệ sinh thái địa phương, dựa trên việc sử dụng các công nghệ mở.
Khuyến nghị thứ 28
Đảm bảo sân chơi bình đẳng tại địa phương cho phần mềm nguồn mở và thể hiện sự cân nhắc tích cực và công bằng để nâng cao chất lượng và khả năng tương tác của giải pháp và trở nên hiệu quả hơn về mặt chi phí.
Trường hợp điển hình: Thành phố Barcelona, Tây Ban Nha
Thành phố Barcelona ban hành một bộ Tiêu chuẩn đạo đức kỹ thuật số - Bộ công cụ chính sách. Đây là Bộ công cụ chính sách nguồn mở dành cho các thành phố để phát triển các chính sách kỹ thuật số lấy nguyên tắc người dân làm trung tâm và thúc đẩy chính quyền cởi mở, minh bạch và hợp tác hơn.
Kế hoạch mở cửa số của Hội đồng thành phố Barcelona xác định một quá trình thay đổi sâu sắc, tiến bộ trong cách thành phố sẽ phát triển và cung cấp dịch vụ cho người dân. Kế hoạch này hướng đến mục tiêu cải thiện triệt để các dịch vụ công kỹ thuật số, dựa trên Tiêu chuẩn đạo đức kỹ thuật số của họ, bao gồm đặc biệt là: việc sử dụng phần mềm miễn phí, tiêu chuẩn mở, chủ quyền dữ liệu, phát triển các dịch vụ kỹ thuật số theo cách linh hoạt và đảm bảo quyền riêng tư, đạo đức và bảo mật theo thiết kế.
Khuyến nghị số 29
Phát triển các ứng dụng/dịch vụ kỹ thuật số đảm bảo rằng chúng được mở theo mặc định (ngay cả khi không sử dụng các tiêu chuẩn mở và thông số kỹ thuật mở, các ứng dụng/dịch vụ kỹ thuật số phải cho phép tích hợp với các ứng dụng/dịch vụ khác thông qua API, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở cấp địa phương).
Trường hợp điển hình: Thành phố Espoo, Phần Lan
Thành phố Espoo cung cấp REST, một giao diện mở trên trang web espoo.fi nơi người dùng có thể tìm kiếm tin tức, sự kiện, dự án, dịch vụ điện tử, thông báo và tài liệu nội dung cơ bản. Giao diện bao gồm cả ba phiên bản ngôn ngữ của trang web espoo.fi (tiếng Phần Lan, tiếng Thụy Điển và tiếng Anh). Có thể giới hạn tìm kiếm theo loại nội dung.
Phần Lan đang điều chỉnh khuôn khổ API do Ủy ban Châu Âu đề xuất. Khuôn khổ này cấu trúc các hành động mà các tổ chức phải thực hiện để tận dụng tốt hơn cơ sở hạ tầng API của họ. Khuôn khổ này đưa ra mười hai 'đề xuất' được sắp xếp xung quanh bốn trụ cột của tổ chức, cụ thể là hỗ trợ chính sách, nền tảng và hệ sinh thái, con người và quy trình. Mười hai đề xuất, lấy cảm hứng từ Khung tương tác châu Âu (EIF) của Ủy ban châu Âu, được tạo ra sau quá trình đánh giá có hệ thống sâu rộng và toàn diện các tài liệu hiện có về các chiến lược API của chính phủ, hướng dẫn, chính sách liên quan và kế hoạch hành động trong chính phủ số và các lĩnh vực khác, cũng như hướng dẫn thực hành tốt nhất của ngành tư nhân.
Mục tiêu chính của các chính sách API là tạo ra một bộ nguyên tắc chung để phát triển API trong các cơ quan hành chính công ở Phần Lan. Các mục tiêu khác bao gồm thúc đẩy cách tiếp cận do khách hàng thúc đẩy, hợp tác, khả năng tái sử dụng, khả năng tương tác, bảo mật thông tin và bảo vệ dữ liệu và phát triển API chất lượng. Các nguyên tắc chung sẽ thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu và chức năng một cách nhất quán, chủ yếu thông qua API.
Lời kết
Khả năng tương tác là cầu nối để vượt qua những thách thức, là điều kiện cần thiết để đạt được mục tiêu phát triển hơn Thành phố và Cộng đồng thông minh Châu Âu. Sự ra đời của Mô hình Khung tương tác cho các thành phố và cộng đồng thông minh có thể được xem là phiên bản nâng cấp từ Khung tương tác Châu Âu về Chính phủ điện tử với sự mở rộng các quy mô và bên liên quan khác thông qua các Thành phố và Cộng đồng thông minh. Điều này phù hợp với bối cảnh quản trị đa cấp của EU, nơi mọi cấp hành chính công đều đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được khả năng tương tác ở cấp địa phương, khu vực, quốc gia, Châu Âu và toàn cầu.
Tại Việt Nam, xây dựng thành phố thông minh là một thành phố - đô thị ứng dụng công nghệ để kết nối, thu thập và phân tích thông tin của người dân, các cấp quản lý để nâng cao chất lượng sống của cư dân và đảm bảo phát triển bền vững. Đây là mục tiêu mà hiện nay nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang hướng đến, nhất là trong xu thế phát triển của công nghệ theo hướng kết nối và tương tác giữa hệ thống thông tin đại diện cho các thành phần khu vực công – tư…, nhiều công nghệ chủ đạo của công nghiệp 4.0 đã và đang trở thành công cụ chủ yếu của đô thị thông minh.
Người thực hiện
Lê Việt Hưng
Phòng Dịch vụ số
Tài liệu tham khảo:
https://ec.europa.eu/isa2/news/finland-implements-api-framework-proposed-european-commission_en/
https://www.espoo.fi/fi/en
https://www.barcelona.cat/digitalstandards/en/init/0.1/index.html
https://smartportugal.pt/projetos/lisbon-intelligent-management-platform-1676104715/members/all-members/