Đang xử lý.....

Điện Biên: Kết quả chuyển đổi số, phát triển chính quyền số năm 2022  

Ngày 18 tháng 01 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên có văn bản số 92/BC-UBND về tình hình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số tỉnh Điện Biên năm 2022 với một số kết quả như sau:
Thứ Hai, 05/02/2024 240
|

- Về xây dựng, hoàn thiện thể chế:

Năm 2022, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số của tỉnh.

Đã ban hành Quyết định phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0 - là cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư, triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số kịp thời, chính xác.

- Về công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số:

Tỉnh Điện Biên đã thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng Ban Chỉ đạo.

- Tình hình phát triển, cung cấp các ứng dụng, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp:

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được nâng cấp trên cơ sở hợp nhất giữa Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử, có đầy đủ tính năng theo quy định; Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện 49%, cấp xã 38%; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 53% trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 82%; Tỷ lệ TTHC được triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống của tỉnh đạt 100%; Tỷ lệ TTHC có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt hơn 60%; Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt hơn 27%.

Cổng thông tin điện tử tỉnh và các trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh được xây dựng cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin theo quy định.

Ngoài Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, tỉnh đã triển khai kênh zalo "Kênh Hành chính công tỉnh Điện Biên" để cung cấp thông tin của tỉnh và thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức và cá nhân trên môi trường mạng.

- Về phát triển các nền tảng, hệ thống:

+ Nền tảng chia sẻ và tích hợp dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) được xây dựng làm nền tảng phục vụ việc phát triển ứng dụng dịch vụ Chính quyền điện tử và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương; Triển khai thí điểm nền tảng đô thị thông minh (IOC).

+ Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được xây dựng đáp ứng đầy đủ các chức năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định để phục vụ hoạt động nội bộ của cơ quan Nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả:

Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh đã được kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản Quốc gia với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và 100% cơ quan, đơn vị các cấp (tỉnh, huyện, xã) trong tỉnh...

100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ (trên 3.900 tài khoản). Trên 90% cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong xử lý công việc.

Hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh (hệ thống được kết nối từ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đến 129 xã phường)...

Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh được xây dựng đáp ứng đầy đủ các chức năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông...

100% cơ quan cấp tỉnh và huyện triển khai áp dụng hệ thống Chỉ đạo và điều hành phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, hạn chế và khắc phục tình trạng chậm trễ, bỏ sót công việc.

Triển khai giải pháp họp không giấy cho các cuộc họp của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

+ Đã triển khai ứng dụng nền tảng GIS trong quản lý tài nguyên, môi trường, lãnh thổ theo nghiên cứu của Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.  

- Về phát triển dữ liệu:

Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước bước đầu được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai và khai thác có hiệu quả, như: Cơ sở dữ liệu văn bản điện tử, thủ tục hành chính, báo cáo thống kê, tư pháp, hộ tịch; giấy phép lái xe; bưu chính, viễn thông, tài chính, cán bộ công chức, bảo hiểm, y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên,...

Tỉnh Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương xây dựng, hoàn thiện và "làm giàu" các cơ sở dữ liệu quốc gia: Dân cư, đất đai, tư pháp, kinh doanh, bảo hiểm,...

- Phát triển hạ tầng số:

Hạ tầng số các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển Chính quyền số của tỉnh: Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt trên 95%. 100% cơ quan Nhà nước các cấp có mạng nội bộ (LAN) kết nối mạng Internet băng rộng cố định và kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số của tỉnh được triển khai theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9250:2021; Văn bản số 486/CATTT- ATHTT ngày 19/6/2020 của Cục An toàn thông tin về hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho Trung tâm dữ liệu phục vụ Chính phủ điện tử;...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 837 vị trí trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) trong đó có 800 vị trí có phủ sóng 3G, 742 vị trí có phủ sóng 4G. Tổng số thuê bao di động năm 2022 ước đạt gần 540.000 thuê bao (đạt 84 thuê bao/100 dân). Sóng thông tin di động (3G, 4G) đã được phủ đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 94,5% khu vực có dân cư sinh sống.

Toàn tỉnh có 179 điểm phục vụ (02 bưu cục cấp I, 10 bưu cục cấp II, 51 bưu cục cấp III, 01 bưu cục KT1, 01 bưu cục khách hàng lớn); Bán kính phục vụ bình quân đạt 4,12 km/điểm; số dân phục vụ bình quân đạt 3.532 người/điểm...

- Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chuyển đổi số:

Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, CCVC đặc biệt là đội ngũ cán bộ, CCVC làm công tác chuyển đổi số, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã chủ động triển khai, tổ chức nhiều Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về chuyển đổi số cho 100% cán bộ, CCVC của các cơ quan, đơn vị,...

Toàn tỉnh đã thành lập trên 1.000 Tổ Công nghệ số cộng đồng đến mức xã và thôn, bản với trên 5.500 người tham gia là lãnh đạo UBND cấp xã, đại diện các Hội phụ nữ, Thanh niên, Công an, Giáo viên, các thôn, bản tại địa phương...

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel đào tạo tập huấn cho 4.120 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Voso và Postmart, đưa được 493 sản phẩm lên sàn, trong đó có 44 sản phẩm OCOP…

- Truyền thông, thúc đẩy chuyển đổi số:

Để tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phát trên kênh sóng phát thanh, truyền hình 260 tin, bài, phóng sự, chương trình tọa đàm phản ánh công tác chuyển đổi số tại tỉnh; các tin, bài đều được biên dịch ra tiếng Thái, tiếng Mông để phát sóng.

Tỉnh Điện Biên đã xây dựng chuyên trang Chuyển đổi số (tại địa chỉ https://chuyendoiso.dienbien.gov.vn/) tạo kênh thông tin chính thống tuyên truyền về sự cần thiết, bản chất, nội dung, tầm quan trọng của chuyển đổi số, với các nội dung về xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số...

Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tuyên truyền, quán triệt tới 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia và thường xuyên theo dõi kênh truyền thông “Chuyển đổi số quốc gia” để cập nhật kịp thời thông tin mới nhất về chuyển đổi số phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

Ngày 15/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1701/QĐ-UBND quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là “Ngày chuyển đổi số tỉnh Điện Biên”…

- Bảo đảm an toàn, an ninh mạng:

Thiết lập Trung tâm giám sát, điều hành, an toàn, an ninh mạng (SOC), giao Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin của tỉnh, thực hiện bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp. Trung tâm SOC của tỉnh đã kết nối, chia sẻ thông tin giám sát an toàn thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia.

Triển khai giải pháp phòng, chống mã độc tập trung toàn tỉnh theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ đối với hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh cho trên 3.000 máy tính của cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện sao lưu định kỳ các dữ liệu dùng chung của tỉnh, của các ngành. Triển khai các phương án phục hồi dữ liệu khi có sự cố theo các quy trình do các chủ thể hệ thống thông tin xây dựng.

Tỉnh Điện Biên đã thành lập Tiểu ban an toàn an ninh mạng, kiện toàn Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

Hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ về an toàn thông tin mạng cho các cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin thường xuyên được tổ chức, đồng thời cử cán bộ tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, diễn tập ứng cứu sự cố máy tính do Trung tâm VNCERT, Cụm tổ chức.

Việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn thông tin mạng được triển khai với nhiều hình thức (trên báo đài, bản tin, trên mạng xã hội,...), nội dung được lựa chọn phù hợp cho từng đối tượng, nhất là tại các cơ quan, đơn vị có hoạt động thường xuyên liên quan đến an ninh mạng, học sinh, sinh viên và tại địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 823
    • Khách Khách 822
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3890443