Chiều 17/10, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình hợp tác giữa ngành công nghệ thông tin-truyền thông Hoa Kỳ và TP. Đà Nẵng về chuyển đổi số và thành phố thông minh.
Sự kiện này thu hút 28 doanh nghiệp trên lĩnh vực ICT của Hoà Kỳ tham dự, tìm hiểu các cơ hội hợp tác và đầu tư vào ngành công nghệ thông tin-truyền thông của TP. Đà Nẵng.
Ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là một trong những trụ cột và động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước.
"Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số được coi là một phương thức phát triển mới tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ. Vì thế, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là hợp tác về ICT mà còn là hợp tác để tạo ra sự kết nối giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ", ông Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.
Ông Hoàng Anh Tú đánh giá Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc ban hành Đề án Chuyển đổi số nhằm hướng tới xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, đáng sống. Đà Nẵng cũng là địa phương đứng đầu trong bảng xếp hạng Chuyển đổi số của Việt Nam năm 2021. Các doanh nghiệp ICT của Hoa Kỳ hợp tác với Đà Nẵng sẽ có nhiều cơ hội để thành công trong chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số và đô thị thông minh. Nếu thành công ở Đà Nẵng thì cũng sẽ là minh chứng sống động nhất để các doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng hợp tác với các địa phương khác, thậm chí là với các thành phố ở các quốc gia khác trong khu vực.
Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Minh Trang
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng Lê Sơn Phong, từ năm 2010, Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai xây dựng chính quyền điện tử; năm 2014, Thành phố bắt đầu thí điểm một số ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm... Kế thừa hạ tầng, nền tảng và kinh nghiệm, kết quả đạt được, năm 2018, Thành phố đã ban hành Kiến trúc thành phố thông minh và chính thức ban hành, triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, ngày 28/8/2021, Thành phố đã ban hành Đề án Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó xác định chuyển đổi số là "chìa khóa" để giải quyết "điểm nghẽn", mở ra không gian phát triển mới, toàn diện và bền vững đối với TP. Đà Nẵng.
"Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như kỳ vọng; yêu cầu phát triển của chính quyền Thành phố, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội còn rất lớn; do đó Thành phố còn nhiều nhiệm vụ, nhiều công việc cần triển khai trong thời gian đến", ông Phong cho hay.
Phát biểu tại sự kiện này, ông Adam Sitkoff, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết, cộng đồng doanh nghiệp ICT Hoa Kỳ nhận thấy tiềm năng của Đà Nẵng nên rất quan tâm tìm hiểu về lĩnh vực này. Chương trình kết nối các doanh nghiệp ICT Hoa Kỳ với TP. Đà Nẵng kỳ vọng sẽ tạo ra một dấu mốc trong hợp tác giữa hai bên. Qua sự kiện này, các doanh nghiệp Hoa Kỳ được tìm hiểu nhiều hơn về quá trình chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh tại Đà Nẵng, để từ đó đẩy mạnh hơn nữa hợp tác và đầu tư vào Đà Nẵng.