Đang xử lý.....

Chiến lược dữ liệu quốc gia của Pháp, một số gợi mở đối với Việt Nam  

Trong thời đại bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dữ liệu số mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, để phát triển dữ liệu, đòi hỏi việc lựa chọn và ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm để đầu tư phát triển là yếu tố then chốt quyết định thành công của mỗi quốc gia. Pháp là một trong những quốc gia đi đầu về nắm bắt xu thế và có những chiến lược đầu tư hiệu quả để phát triển dữ liệu. Pháp là quốc gia mạnh về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Với 8.241 đơn vị xin cấp bằng sáng chế quốc tế PCT vào năm 2016, Pháp đã được xếp hạng thứ năm trên thế giới. Trong những năm qua, Chính phủ Pháp đã chú trọng hỗ trợ mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có một nền kinh tế đột ph
Thứ Hai, 30/12/2024 4
|

Trong thời đại bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dữ liệu số mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, để phát triển dữ liệu, đòi hỏi việc lựa chọn và ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm để đầu tư phát triển là yếu tố then chốt quyết định thành công của mỗi quốc gia. Pháp là một trong những quốc gia đi đầu về nắm bắt xu thế và có những chiến lược đầu tư hiệu quả để phát triển dữ liệu.

Pháp là quốc gia mạnh về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Với 8.241 đơn vị xin cấp bằng sáng chế quốc tế PCT vào năm 2016, Pháp đã được xếp hạng thứ năm trên thế giới. Trong những năm qua, Chính phủ Pháp đã chú trọng hỗ trợ mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có một nền kinh tế đột phá dựa trên công nghệ.

Pháp là một quốc gia có tính kết nối cao với mục tiêu cả nước được bao phủ bởi băng thông rộng tốc độ cao vào năm 2025, đứng thứ hai trên thế giới về chất lượng và khả năng truy cập của các dịch vụ trực tuyến công, đứng thứ ba trên thế giới về đăng ký băng thông rộng tốc độ cao cố định.

Với mạng lưới kết cấu hạ tầng viễn thông thuộc hạng tốt nhất trên thế giới về chất lượng, tính khả dụng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cùng với sự hấp dẫn của các chính sách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, Pháp là một điểm đến hấp dẫn, đang thu hút những doanh nghiệp kỹ thuật số khổng lồ từ các nước khác. Đây là yếu tố thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số của Pháp.

Khung pháp lý về dữ liệu của Pháp

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân của Pháp chủ yếu dựa trên quy định chung về bảo vệ dữ liệu GDPR của Liên minh Châu Âu, được áp dụng từ ngày 25/5/2018. GDPR thiết lập các nguyên tắc cơ bản về xử lý dữ liệu cá nhân và quyền của các cá nhân liên quan đến dữ liệu. Các nguyên tắc bao gồm:

- Tính hợp pháp, công bằng và minh bạch: Dữ liệu cá nhân phải được xử lý một cách hợp pháp, công bằng và minh bạch.

- Giới hạn mục đích: Dữ liệu chỉ được thu thập cho các mục đích rõ ràng, hợp pháp.

- Giảm thiểu dữ liệu: Chỉ thu thập dữ liệu cá nhân cần thiết cho các mục đích đã được xác định.

- Độ chính xác: Dữ liệu cá nhân phải được giữ cho chính xác và cập nhật khi cần thiết.

- Giới hạn lưu trữ: Dữ liệu cá nhân không được giữ lâu hơn so với mục đích xử lý.

- Tính toàn vẹn và bảo mật: Dữ liệu cá nhân phải được xử lý một cách an toàn.

- Trách nhiệm giải trình: Người xử lý dữ liệu phải chứng minh sự tuân thủ.

Ngoài ra, Pháp cũng có các quy định cụ thể của mình như Luật Bảo vệ dữ liệu để điều chỉnh việc xử lý dữ liệu cá nhân trong khuôn khổ quốc gia.

Chiến lược dữ liệu

Chiến lược dữ liệu của Pháp tập trung vào việc khai thác tiềm năng của dữ liệu số để thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Chiến lược dữ liệu của Pháp bao gồm một số lĩnh vực chính như sau:

Hình 1: Chiến lược dữ liệu của Pháp

- Chuyển đổi kỹ thuật số: Pháp đặt mục tiêu đẩy nhanh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm dịch vụ công, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng tiếp cận.

- Quản trị dữ liệu: Thiết lập một khuôn khổ mạnh mẽ để quản trị dữ liệu nhằm bảo đảm quyền riêng tư, bảo mật và sử dụng có đạo đức dữ liệu là ưu tiên hàng đầu. Điều này bao gồm việc tuân thủ Quy định chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân GDPR và luật pháp quốc gia.

- Dữ liệu mở: Thúc đẩy các sáng kiến dữ liệu mở để làm cho dữ liệu của Chính phủ dễ truy cập và sử dụng hơn cho đổi mới và sự tham gia của công chúng.

- Đầu tư vào công nghệ: Đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo AI, phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây để nâng cao cơ sở hạ tầng dữ liệu của đất nước.

- Phát triển kỹ năng: Tập trung vào việc nâng cao và đào tạo lại lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế dựa trên dữ liệu.

Những nỗ lực này là một phần trong chiến lược dữ liệu rộng hơn của Châu Âu nhằm tạo ra một thị trường dữ liệu duy nhất trong Liên minh Châu Âu, cho phép luồng dữ liệu tự do giữa các quốc gia và khu vực thành viên vì lợi ích của các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và cơ quan hành chính công.

Trao đổi, kết nối, chia sẻ dữ liệu

Chính sách trao đổi, kết nối, chia sẻ dữ liệu của Pháp chủ yếu dựa trên nguyên tắc mở cửa và minh bạch, tuân thủ theo Quy định chung về Bảo vệ dữ liệu GDPR của Liên minh Châu Âu. Điều này bao gồm việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và đồng thời khuyến khích việc sử dụng dữ liệu một cách có trách nhiệm để thúc đẩy sự đổi mới và phát triển kinh tế.

Một số cơ sở dữ liệu quốc gia của Pháp:

- Cơ quan đăng ký thuốc quốc gia: Chứa thông tin về các loại thuốc được cấp phép tại Pháp, bao gồm tóm tắt về đặc tính sản phẩm và tờ rơi đóng gói.

- BnF (Bibliothe`que nationale de France Catalog Ge’ne’ral): Một danh mục trực tuyến với bộ sưu tập tài liệu khổng lồ được lưu giữ trên tất cả các trang web của BnF.

- Kho lưu trữ trực tuyến của Bộ Tư pháp: Cung cấp quyền truy cập vào nhiều hồ sơ khác nhau như hồ sơ nhà thờ, hồ sơ quan trọng dân sự, dữ liệu điều tra dân số, nhập ngũ,…

- Hệ thống dữ liệu chăm sóc sức khỏe quốc gia của Pháp, bao gồm: Dữ liệu bảo hiểm y tế, dữ liệu bệnh viện, nguyên nhân tử vong y tế, dữ liệu liên quan đến khuyết tật,…

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về lưu trữ: Cung cấp thông tin về các tác phẩm nghệ thuật được nhà nước mua lại, các tài liệu biểu tượng được số hóa và hồ sơ của những người được trao giải Le’gion d’honne.

Dịch vụ công ở Pháp

Trọng tâm trong quá trình chuyển đổi số các dịch vụ công của Pháp là xoay quanh mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc thiết lập nền hành chính số ở Pháp không chỉ giới hạn ở việc chuyển đổi đơn giản các thủ tục thông thường trong không gian trực tuyến mà còn dựa trên sự cải thiện trải nghiệm của người dân. Điểm mấu chốt là định hình lại mối quan hệ giữa công dân và dịch vụ công. Năm 2015, Pháp thông qua dự luật “Vì một nước cộng hòa kỹ thuật số”. Dự luật kỹ thuật số này là một bước đột phá lớn trong quá trình chuyển đổi số của các dịch vụ công, cho phép công dân dễ dàng truy cập các tài liệu hành chính, đồng thời khởi xướng việc chia sẻ dữ liệu công khai trên nền tảng www.data.gouv.fr.  

Bước ngoặt cho việc hiện đại hóa các dịch vụ công là “Chương trình Hành động công năm 2022” được thành lập với mục đích phi vật chất hóa dịch vụ công (xây dựng nền hành chính không dùng giấy tờ) vào năm 2022, với 250 thủ tục hành chính được áp dụng nhiều nhất ở Pháp. Để bảo đảm việc thực thi chương trình, cơ quan giám sát liên bộ của Pháp về các vấn đề kỹ thuật số DINUM được thành lập, tập trung vào hệ thống thông tin của các cơ quan hành chính Pháp. DINUM hoạt động chung với Tổng cục Chuyển đổi công vụ liên bộ DITP đã tồn tại trước đó với các mục tiêu: nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người sử dụng, kiểm soát chi tiêu công cho đối tượng nộp thuế, hiện đại hóa điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức nhà nước.

Cuối năm 2019, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nền hành chính công, Pháp đã triển khai chương trình TECH.GOUV, bao gồm các hoạt động khác nhau nhằm khuyến khích áp dụng các giải pháp kỹ thuật số trong cung cấp các dịch vụ công, phát triển một khuôn khổ nhận dạng điện tử có thể tương tác, thực hiện nguyên tắc “chỉ một lần” (Implementation of the “only once” principle-OOP) có nghĩa là công dân và doanh nghiệp chỉ cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan hành chính nhà nước, cải thiện kết cấu hạ tầng dữ liệu và quản lý tốt hơn dữ liệu đã thu thập. Cụ thể, Quy định eIDAS22 thiết lập một khuôn khổ duy nhất cho các dịch vụ nhận dạng điện tử eID và ủy thác ở Liên minh Châu Âu, được triển khai tại Pháp thông qua dịch vụ FranceConnect. Vào năm 2020, FranceConnect có sự gia tăng đáng kể số lượng người sử dụng, đạt hơn 22 triệu người đăng ký. Trên cơ sở đó, Chính phủ Pháp ước tính có khoảng 30 triệu công dân Pháp sẽ được kết nối với hệ thống này, chiếm khoảng 60% dân số đủ điều kiện trong năm 2021. FranceConnect được triển khai trong hàng trăm dịch vụ kỹ thuật số, chủ yếu trong khu vực công và một số khu vực tư nhân (ngành y tế, ngân hàng và bảo hiểm), đóng vai trò quan trọng cho việc triển khai eIDAS vào năm 2021, cho phép nhận dạng điện tử xuyên biên giới trong các dịch vụ công kỹ thuật số đòi hỏi phải được nhận dạng của Pháp.

Việc số hóa các dịch vụ công phần nào giảm tải được những thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp, quan trọng là giúp việc quản trị nền kinh tế số dễ dàng và thuận tiện hơn, giúp Pháp trở nên bền vững hơn, linh hoạt hơn và chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức và cơ hội trong tương lai.

Các chỉ số báo cáo, thống kê kinh tế-xã hội

Hệ thống chỉ số kinh tế-xã hội của Pháp bao gồm một loạt dữ liệu toàn diện phản ánh hiệu quả kinh tế-xã hội, tiến bộ xã hội và phúc lợi tổng thể của đất nước. Các chỉ số này được thu thập và công bố bởi nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, bao gồm Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia INSEE và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD. Cách thức thu thập dữ liệu phục vụ báo cáo chỉ số kinh tế-xã hội:

- Khảo sát: Thực hiện khảo sát thống kê giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp để thu thập dữ liệu về việc làm, thu nhập, thói quen chi tiêu và các yếu tố kinh tế-xã hội khác.

- Điều tra dân số: Các cuộc điều tra dân số quốc gia thường xuyên cung cấp dữ liệu toàn diện về dân số, nhà ở và việc làm.

- Hồ sơ hành chính: Sử dụng dữ liệu hành chính từ các cơ quan Chính phủ, chẳng hạn như hồ sơ thuế, dữ liệu an sinh xã hội và hồ sơ việc làm.

- Hợp tác với các cơ quan khác: Làm việc với các cơ quan thống kê quốc gia và quốc tế để bảo đảm tính nhất quán của dữ liệu và so sánh các chỉ số ở cấp độ quốc tế.

Dữ liệu mở

Pháp tập trung phát triển hạ tầng dữ liệu mở hiện có và làm cho nó mạnh mẽ hơn, thân thiện với người dùng hơn và mang lại lợi ích cho tất cả các bên có liên quan. Một số chiến lược đã đưỡ xác định:

- Tăng cường quản trị: Triển khai khuôn khổ nhất quán và tiêu chuẩn hóa giữa các cơ quan Chính phủ để bảo đảm quản lý hiệu quả dữ liệu, thuật toán và mã nguồn.

- Nâng cao chất lượng dữ liệu: Cải thiện chất lượng dữ liệu trên các nền tảng như data.gouv.fr và làm phong phú siêu dữ liệu để tạo điều kiện liên kết và sử dụng dữ liệu tốt hơn.

- Sự tham gia của cộng đồng: Phát triển các “ngành dọc” cụ thể theo ngành như: giao thông và năng lượng, kết nối với các nền tảng data.gouv.fr và cải thiện quản lý cộng đồng để thúc đẩy môi trường hợp tác.

- Thúc đẩy đổi mới: Khuyến khích tạo ra các dịch vụ mới vì lợi ích công và tư bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính và chuẩn hóa việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Chính phủ.

- Phát triển nguồn nhân lực: Tập trung phát triển kỹ năng công nghệ và nguồn nhân lực trong cơ quan hành chính công Pháp để hỗ trợ sáng kiến dữ liệu mở.

Thị trường dữ liệu

Tại Pháp, các quy định về bán dữ liệu chủ yếu được điều chỉnh bởi Quy định chung về bảo vệ dữ liệu GDPR và Luật Bảo vệ dữ liệu của Pháp. Phí trao đổi dữ liệu ở Pháp có thể thay đổi tùy thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như loại dữ liệu được trao đổi, nền tảng được sử dụng để trao đổi và thông tin cụ thể của dịch vụ được yêu cầu. Ví dụ: trong trường hợp trao đổi dữ liệu điện tử EDI là định dạng tiêu chuẩn để trao đổi thông tin kinh doanh giữa các tổ chức, chi phí có thể bao gồm phí sử dụng mang giá trị gia tăng hoặc phí kết nối trực tiếp qua Internet.

Bài học kinh nghiệm

Việc quản lý dữ liệu và các dịch vụ công của Pháp theo mô hình Nhà nước nền tảng, có nghĩa là Nhà nước cung cấp nguồn lực để các cơ quan Chính phủ, cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, người dân có thể sử dụng để phát triển dịch vụ và có thể tham gia xây dựng các nguồn lực mới vì lợi ích chung.

Pháp sử dụng nhiều mô hình ứng dụng E-Form cho phép cán bộ, công chức có thể tự xây dựng các công cụ tạo E-Form tự động để phục vụ công việc của mình.

Mô hình ứng dụng phổ biến của Pháp trong việc đưa vào các ứng dụng của Nhà nước nền tảng là Nền tảng số - France Connect: Danh tính số (công cụ xác thực số bảo đảm danh tính của người dùng tại các trang web hoặc ứng dụng người dùng dựa trên tài khoản hiện có mà người dùng đã được xác minh). Thông qua đó, người dân chỉ cần đăng nhập tài khoản France Connect sẽ tự động được xác thực, kết nối tới tất cả các tài khoản của mình tại các dịch vụ công đã đăng ký trước đó như thuế, bảo hiểm,…

Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; cơ bản phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội trên môi trường số và là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn. Dữ liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 với tầm nhìn mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn. Chiến lược dữ liệu quốc gia còn được kỳ vọng góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao.

Trên cơ sở kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất, phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới viễn thông và internet băng thông rộng phủ sóng rộng khắp cả nước, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trần Thanh Hà

 

Tài liệu tham khảo

FRENCH NatioNal stRatEgy - ENISA (On September 19th, 2024).

France Data Governance (March 2022).

French strategy for cloud computing & data sharing (Wednesday 15th March 2023).

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 812
    • Khách Khách 811
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3890432