Mở đầu:
Qua theo dõi các khó khăn, vướng mắc, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, bài viết tổng hợp, phân tích các vấn đề và phương án, giải pháp giải quyết tương ứng với từng vấn đề để xác định chi phí phần mềm nội bộ trong công tác quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, lập kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông như sau:
1. Về tính giá trị các phần mềm nội bộ dựa trên các hệ thống có sẵn
a) Vấn đề:
(1) Đối với phương pháp xác định giá trị phần mềm nội bộ theo hướng dẫn tại Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/8/20211 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ trước đây, khi tương tác người dùng hay người sử dụng đầu cuối với hệ thống càng nhiều thì chi phí phần mềm nội bộ càng cao. Phương pháp này phù hợp với các phần mềm ứng dụng nghiệp vụ đơn giản. Tuy nhiên, xu hướng phát triển công nghệ hiện nay, các phần mềm được xây dựng theo hướng động, có tính tùy biến lớn, do đó, người sử dụng tương tác với hệ thống ngày càng ít đi.
Ví dụ, trước đây khi người dùng có yêu cầu cần form nhập liệu mới, quy trình mới, báo cáo mới thì kỹ sư đều phải lập trình, nhưng hiện nay, cũng là yêu cầu đó, người dùng chỉ cần có sẵn mẫu form, báo cáo bằng Microsoft Word là có thể tự kéo thả vào hệ thống là hệ thống tự tạo form nhập liệu, báo cáo mới hoặc người dùng tự thao tác tạo form nhập liệu trên hệ thống hoặc người dùng tự tạo được quy trình mới mà kỹ sư không cần phải thiết kế, lập trình.
Ví dụ: trước đây, xây dựng dịch vụ công trực tuyến nào thì tính tiền dịch vụ công trực tuyến đó, xây dựng 1.000 dịch vụ công trực tuyến thì tính tiền 1.000 lần. Xu hướng bây giờ, khi cần thêm dịch vụ công trực tuyến thì quản trị hệ thống có thể tự tùy biến được mà không cần nhà thầu lập trình. Nghĩa là, nhà thầu chỉ làm động 1 lần cho 1 dịch vụ công trực tuyến, cơ quan nhà nước có thể chủ động tùy biến được hàng nghìn dịch vụ công trực tuyến nhưng nhà thầu chỉ được tính tiền cho 1 dịch vụ công trực tuyến.
(2) Các chức năng xử lý bên trong hệ thống, các chức năng chạy ngầm không được tính vào giá trị phần mềm.
Các chức năng xử lý bên trong hệ thống, các chức năng chạy ngầm là các chức năng không có tác động giữa tác nhân bên ngoài vào phần mềm thì không được xác định là trường hợp sử dụng hệ thống. Do đó, không được tính chi phí. Ví dụ: chức năng chạy ngầm định kỳ tổng hợp số liệu và lưu vào cơ sở dữ liệu tác nghiệp, chức năng chạy ngầm xử lý dữ liệu hàng loạt để hạch toán nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, chức năng dịch vụ dữ liệu, ….
(3) Trước đây, theo phản ánh, trao đổi của các Sở Thông tin và Truyền thông với Bộ Thông tin và Truyền thông, có tình trạng nhiều cơ quan đầu tư, mua sắm 1 phần mềm mang tính “đồng phục”, giống nhau về chức năng, tính năng nhưng không kiểm soát được giá, doanh nghiệp làm phần mềm 1 lần nhưng bán/mua theo giá của phần mềm nội bộ.
Đối với các phần mềm có tính tương đồng nhau về chức năng, tính năng giữa các Bộ, các tỉnh như: Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử, hệ thống hội nghị truyền hình, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung, hệ thống báo cáo, … các doanh nghiệp chỉ xây dựng, phát triển một lần, nhưng khi 63 địa phương, 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhu cầu, thì doanh nghiệp vẫn sử dụng phần mềm đó cung cấp cho Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương. Trong khi đó, việc xác định chi phí giá trị phần mềm nội bộ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương vẫn tính như xây dựng lần đầu. Dẫn đến, có nguy cơ thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.
(4) Một số phần mềm nội bộ được tùy chỉnh (customize) trên các phần mềm mã nguồn mở nhưng tính chi phí bao gồm các chức năng đã có sẵn trên hệ thống mã nguồn mở. Dẫn đến nguy cơ thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.
(5) Chưa có hướng dẫn xác định chi phí xây dựng phần mềm nội bộ dựa trên một nền tảng, framework có bản quyền (ví dụ sharepoint, Oracle weblogic, ...).
b) Giải pháp:
- Đối với vấn đề (1), (2) và (3):
+ Nếu trường hợp doanh nghiệp sử dụng một hệ thống có sẵn (mã nguồn mở hoặc sản phẩm thương mại), tùy chỉnh (customize) thành hệ thống lõi của mình, sau đó triển khai cho các cơ quan nhà nước: doanh nghiệp phải công bố hoặc gửi Bộ Thông tin và Truyền thông công bố cho các cơ quan nhà nước biết.
Các hệ thống phần mềm thương mại, phần mềm lõi này ... được xác định theo giá thị trường. Chỉ các chức năng, trường hợp sử dụng nào là kết quả sau khi tùy chỉnh (customize) mới có thể áp dụng theo phương pháp này. Giải pháp này đã giải quyết được gốc rễ của vấn đề (3), một trong những vấn đề chưa được giải quyết hơn 15 năm nay kể từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hướng dẫn xác định giá trị phần mềm tại Công văn số 3364/BTTTT-ƯDCNTT ngày 17/10/2008.
+ Trường hợp doanh nghiệp phát triển, lập trình phần mềm nội bộ đặc thù riêng cho cơ quan nhà nước không dựa trên/sử dụng trên hệ thống lõi, phần mềm thương mại: Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước quy định chi phí xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ được xác định theo 05 phương pháp, bao gồm: phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc phương pháp tính chi phí hoặc theo báo giá hoặc kết hợp các phương pháp: phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc theo báo giá thị trường hoặc kết hợp các phương pháp.
- Đối với vấn đề (4) và (5): Đề nghị doanh nghiệp thuyết minh làm rõ phương án thiết kế trong hồ sơ dự thầu những chức năng nào trong hệ thống mã nguồn mở, framework có bản quyền được sử dụng mà không customize; những chức năng nào được customize cho phù hợp với nhu cầu riêng của cơ quan nhà nước, những chức năng nào xây dựng mới. Khi đó, customize trường hợp sử dụng nào của hệ thống mã nguồn mở, framework có bản quyền thì tính chi phí cho trường hợp sử dụng đó. Chức năng sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm được xác định theo phương pháp xác định giá trị phần mềm nội bộ (phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc phương pháp tính chi phí hoặc theo báo giá hoặc kết hợp các phương pháp).
Hình [1]: Minh họa tính giá trị các phần mềm nội bộ dựa trên các hệ thống có sẵn
2. Về tính giá trị phần mềm nội bộ áp dụng công nghệ mới
a) Vấn đề:
Không xác định được giá trị phần mềm nội bộ trong trường hợp sử dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, BlockChain, thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), …
b) Giải pháp:
Tại khoản 4 Điều 19 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, được sửa đổi bổ sung, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm đ khoản 13 Điều 1 Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2024 đã quy định cụ thể trường hợp này như sau: Đối với phần mềm được được xây dựng, phát triển dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), …, chi phí sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm được xác định theo 01 trong 05 phương pháp, bao gồm: phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc phương pháp tính chi phí hoặc theo báo giá hoặc kết hợp các phương pháp. Chi phí phần mềm thương mại, nền tảng số, framework, … được xác định theo báo giá trang thiết bị trên thị trường.
3. Về tính giá trị các Apps trên mobile và máy tính
a) Vấn đề:
Xu hướng hiện nay, các phần mềm nội bộ trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được xây dựng, phát triển theo các apps trên mobile và máy tính. Tuy nhiên, nếu phân loại theo công nghệ sử dụng, thì 03 lại ứng dụng di động cơ bản gồm: Native app, Web-based app hay Hybrid app. Việc lựa chọn kiểu phát triển phần mềm nào (Native app, Web-based app hay Hybrid app…) sẽ tác động đến việc định giá phần mềm. Cụ thể, giả sử như lựa chọn phát triển ứng dụng di động theo Hybrid app thì cần phải xem xét, tránh trùng lặp các trường hợp sử dụng (Use Case) có cùng chức năng sử dụng trên hệ điều hành iOS và Android, trong khi đó nếu phát triển theo Native app thì cùng một chức năng phần mềm nhưng sẽ phải phát triển cho từng hệ điều hành riêng rẽ.
b) Giải pháp:
Trong thuyết minh dự án/kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin phải có thuyết minh ứng dụng trên di động sẽ được phát triển theo phương án nào (Native app, Web-based app, Hybrid app…) và việc xác định chi phí phần mềm nội bộ sẽ theo phương án đó, nếu thiết kế, xây dựng thêm riêng cho App thì được tính chi phí riêng cho xây dựng App.
4. Về tính giá trị trong trường hợp nâng cấp chức năng phần mềm
a) Vấn đề:
Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/8/20211 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ chưa hướng dẫn cách xác định chi phí đối với việc nâng cấp phần mềm nội bộ trong trường hợp các chức năng đã có được nâng cấp không làm thay đổi mô tả trường hợp sử dụng, nhưng có thay đổi cách tính toán, xử lý bên trong.
b) Giải pháp:
Việc nâng cấp các chức năng đã có được xác định theo các phương pháp quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước quy định chi phí xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ được xác định theo 05 phương pháp, bao gồm: phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc phương pháp tính chi phí hoặc theo báo giá hoặc kết hợp các phương pháp: phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc theo báo giá thị trường hoặc kết hợp các phương pháp.
5. Về xác định trường hợp sử dụng (Use case)
a) Vấn đề:
(1) Việc phân loại Usecase theo Công văn số 2589 có 3 mức: Đơn giản, Trung bình, Phức tạp là chưa phù hợp với thực tế.
Cụ thể, theo quy định, Usecase Phức tạp có số transaction >= 7. Để cung cấp trải nghiệm ngày càng phong phú cho người dùng, Usecase có số lượng transaction rất nhiều (có thể hàng chục transaction, tùy theo số thông tin cần xử lý), đòi hỏi mất nhiều thời gian, nguồn lực hơn cho việc xây dựng, phát triển phần mềm. Tuy nhiên, loại Usecase này vẫn chỉ được tính chi phí tương tự như Usecase có 7 transaction. Cần quy định cụ thể đối với các trường hợp này đảm bảo công bằng về chi phí xây dựng Usecase có độ phức tạp so với trước đây.
(2) Một usecase mô tả một tình huống và một usecase mô tả nhiều tình huống có chi phí khác nhau.
b) Giải pháp:
Trường hợp sử dụng có số lượng giao dịch > 12 thì cần phải xem xét lại việc mô tả trường hợp sử dụng này. Nếu trường hợp sử dụng có nhiều hơn một mục tiêu sử dụng của tác nhân thì phải tách ra thành các trường hợp sử dụng khác nhau.
Tuy nhiên, chưa có phương án đối với việc chia nhỏ usecase để làm tăng số lượng, dẫn đến làm tăng giá trị phần mềm.
6. Về xác định Nội suy thời gian lao động (P)
a) Vấn đề:
Thời gian lao động (P): Theo Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/8/20211, hiện tại giá trị nội suy đang có khoảng cách lớn giữa các mức (20, 32, 48) dẫn đến chỉ cần thay đổi 1 đơn vị hệ số trong 8 hệ số là dẫn tới tổng điểm use case point thay đổi.
Qua thực tế phát triển của ngành sản xuất phần mềm, có thể nhận thấy, đến nay đối với các bài toán nghiệp vụ cơ bản để xây dựng các ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước thì các lập trình viên đã xây dựng được các thư viện, mã nguồn... sẵn có, hỗ trợ rất tốt cho công tác lập trình các dự án mới. Vì vậy, cần thiết xem xét, xem xét lại cách xác định giá trị nội suy thời gian lao động (P).
b) Giải pháp:
Tại Quyết định số 671/QĐ-BTTTT ban hành ngày 26/4/2024 hưỡng dẫn công thức nội suy thời gian lao động ( P) như sau:
ES
|
Giá trị nội suy (P)
|
< 1
|
48 – ES x 8
|
≥ 1
|
40 – (ES – 1) x 7
|
≥ 3
|
26 – (ES – 3) x 6/2,2
|
Theo đó, Thời gian lao động (P) có giá trị liên tục trong khoảng (20, 48) được biểu diễn như sau:
Hình [21]: Minh họa Thời gian lao động (P)
Đỗ Thị Thảo Hiền
Tài liệu tham khảo:
- Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/8/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
- Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/8/20211 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ;
- Quyết định số 671/QĐ-BTTTT ngày 26/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn xác định chi phí phần mềm nội bộ.