Ngày 31/12/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 21/2023/TT-BTTTT quy định về chức năng, tính năng kỹ thuật của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (HTTT GQ TTHC) cấp bộ, cấp tỉnh. HTTT GQ TTHC cấp bộ, cấp tỉnh là hệ thống thông tin được hình thành trên cơ sở Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp nhận, giải quyết, theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp.
Phân hệ giải quyết thủ tục hành chính có chức năng hỗ trợ việc tiếp nhận, giải quyết, theo dõi tình hình tiếp nhận, giải quyết, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với hệ thống quản lý văn bản để xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia để đăng tải công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.
Yêu cầu chung đối với HTTT GQ TTHC cấp bộ, cấp tỉnh được quy định như sau:
- Việc xây dựng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm đáp ứng các yêu cầu: Thiết kế trực quan để bảo đảm trải nghiệm tốt và khả năng tương tác của người dùng; Bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện, an toàn, bảo mật cho người dùng.
- HTTT GQ TTHC cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm các yêu cầu: Tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số Việt Nam và Kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số cấp bộ hiện hành đối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ; Kiến trúc Chính quyền điện tử, Chính quyền số cấp tỉnh hiện hành đối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh. Kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước (gồm Cổng Dịch vụ công quốc gia; các hệ thống thông tin nội bộ của bộ, tỉnh; các cơ sở dữ liệu quốc gia; hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương) để sử dụng lại thông tin, dữ liệu đã có, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu khác theo quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Thông tư cũng nêu rõ, HTTT GQ TTHC cấp bộ, cấp tỉnh bao gồm nhiều phân hệ có chức năng đáp ứng các mục tiêu sử dụng khác nhau, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với nhau, tạo thành một hệ thống tập trung và thống nhất; bảo đảm tối thiểu hai phân hệ chính là Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và Phân hệ giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng các yêu cầu chức năng sau:
- Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh gồm các chức năng cơ bản, tối thiểu như sau: Xác thực người dùng. Cung cấp thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, bao gồm: Mức độ cung cấp dịch vụ; Danh mục thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bao gồm: Tạo lập hồ sơ điện tử; Trao đổi thông tin với người dùng trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Cung cấp biểu mẫu điện tử tương tác; Tải ảnh, hồ sơ, tài liệu; Tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính/bưu chính công ích; Thanh toán trực tuyến; Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Ký số và tích hợp với Cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số (sau đây gọi là Cổng eSign). Tra cứu, bao gồm: Tra cứu dịch vụ công theo các tiêu chí; Tra cứu hồ sơ. Phản ánh kiến nghị. Đánh giá sự hài lòng của người dùng. Thống kê tình trạng giải quyết hồ sơ. Hỗ trợ người dùng, bao gồm: Hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; Hỏi – đáp, khảo sát ý kiến người dùng; Trợ lý ảo. Các chức năng khác, bao gồm: Quản lý thông tin người dùng; Khai thác Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; Ghi lưu nhật ký, thống kê, báo cáo truy cập.
- Phân hệ giải quyết thủ tục hành chính gồm các chức năng cơ bản như sau: Quản lý danh mục thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu. Quản lý danh mục trạng thái xử lý thủ tục hành chính. Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Báo cáo thống kê. Quản lý hồ sơ, tài liệu. Quản lý danh mục điện tử dùng chung. Quản trị hệ thống. Quản trị và sử dụng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức và cá nhân. Theo dõi quá trình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Điều hành, tác nghiệp. Các tiện ích. Liên thông, tích hợp và chia sẻ thông tin, dữ liệu. Các chức năng này có thể không có trong Phân hệ giải quyết thủ tục hành chính nhưng bắt buộc phải có trong phân hệ khác của HTTT GQ TTHC cấp bộ, cấp tỉnh.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định các yêu cầu cụ thể về chức năng của Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh; các yêu cầu cụ thể về chức năng của Phân hệ giải quyết thủ tục hành chính; các yêu cầu về cấu trúc, bố cục; hiệu năng; bảo đảm ban toàn thông tin cũng như các quy định về kết nối phục vụ công tác giám sát, đo lường, đánh giá…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/4/2024.
Bãi bỏ: Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một của điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và Bãi bỏ các Điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 tại Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và thực hiện thống nhất theo quy định tại Thông tư này.