Đang xử lý.....

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG CNTT TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC NĂM 2019  

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020...
Thứ Ba, 09/10/2018 17257
|

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1819/QĐ-TTg), ngày 08/10/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 3405/BTTTT-THH gửi các Bộ, ngành, địa phương để hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước năm 2019, trong đó có một số nội dung chính như sau:

1. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ỨNG DỤNG CNTT NĂM 2018

Để xây dựng Kế hoạch năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương căn cứ Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2018 tổ chức đánh giá kết quả triển khai Kế hoạch năm 2018, tình hình thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2016-2020 với những nội dung chính sau:

Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg;

Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ ứng dụng CNTT theo Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2018 đã đặt ra.

Yêu cầu:

Nội dung đánh giá cụ thể, đi thẳng vào các mục tiêu, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã đề ra tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg và mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp Bộ, ngành, địa phương đã đề ra trong năm 2018 để thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020; mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020 và năm 2018.

+ Kết quả đánh giá cần cụ thể hóa bằng các số liệu, trường hợp điển hình và phân tích rõ những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất cụ thể những kiến nghị, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

2. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG CNTT TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC NĂM 2019

Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2019, gồm các nhiệm vụ trọng tâm:

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ ứng dụng CNTT thực hiện Kiến trúc Chính phủ điện tử, Kiến trúc Chính quyền điện tử của Bộ, ngành, địa phương đã ban hành;

- Xây dựng, hoàn thiện nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của Bộ, ngành, địa phương để thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ và giữa các Bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến;

- Hoàn thiện, kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm thông suốt các cấp để thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và các nội dung khác theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước;

- Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh và các nội dung liên quan theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC;

- Xây dựng, hoàn thiện các CSDL quốc gia, các CSDL ngành, lĩnh vực và các hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử bảo đảm tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; Kiến trúc Chính phủ điện tử/Kiến trúc Chính quyền điện tử của các Bộ, ngành, địa phương đã ban  hành và theo quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với các CSDL quốc gia và danh mục các hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi triển khai từ Trung ương đến địa phương do các Bộ, ngành triển khai đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố trên Trang thông tin điện tử của Bộ và của Cục Tin học hóa theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTTTT ngày 30/12/2014 để tránh đầu tư trùng lặp.

- Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng hệ thống cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, 4) phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng hiệu quả (tiết kiệm thời gian, chi phí,…), tăng cường tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu 40% hồ sơ được xử lý trực tuyến đối với các dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến tại mức độ 3, 30% hồ sơ được xử lý trực tuyến đối với các dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến tại mức độ 4;

- Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, kết nối mạng thông tin phục vụ công việc này theo quy định tại Thông tư số 17/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích;

- Xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ (đối với các Bộ), Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh (đối với các tỉnh) phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 khi được ban hành;

- Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT, kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin để đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT của Bộ, ngành, địa phương.

Yêu cầu:

- Tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử, Kiến trúc Chính quyền điện tử của Bộ, ngành, địa phương mình;

- Mục tiêu, nội dung ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại các Bộ, ngành, địa phương phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông,…

- Kế thừa và tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được năm 2018; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với hiện trạng và nguồn lực thực tế tại các Bộ, ngành, địa phương; đi vào thực chất, hiệu quả; nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức, hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; tăng tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử giữa các cơ quan nhà nước ít nhất 15% so với năm 2018;

- Các dự án CNTT hoặc kế hoạch thuê dịch vụ CNTT thực hiện từ năm 2018 trở đi, phải có yêu cầu, nội dung về kết nối, chia sẻ và liên thông các cấp theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Văn bản số 1655/VPCP-KSTT ngày 13/02/2018 của Văn phòng Chính phủ về  liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin một cửa điện tử. Việc kết nối, chia sẻ phải tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0 và các phiên bản tiếp theo, Thông tư số 13/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử;

- Ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử gắn liền với cải cách quy trình, thủ tục hành chính; đổi mới phương thức, lề lối làm việc của cơ quan nhà nước;

- Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp hướng tới bảo đảm thuận tiện, dễ sử dụng, truy cập được trên các thiết bị nền tảng di động (mobility),…;

- Ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử gắn liền với công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng;

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, giải pháp mới phù hợp với nhu cầu và thực tế của Bộ, ngành, địa phương trong các hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử để nâng cao hiệu quả triển khai. Điển hình như Điện toán đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT), Dữ liệu lớn (Bigdata),…;

- Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bao gồm các giải pháp công nghệ, triển khai, nguồn lực, tài chính. Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng; nâng cao chất lượng nhân lực khai thác các ứng dụng CNTT,…

Thời hạn xây dựng Kế hoạch:

Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2019, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 30/10/2018.

          Chi tiết văn bản hướng dẫn và mẫu Khung Kế hoạch ứng dụng CNTT 2019 tại đây.

 

Nguyễn Thanh Thảo