Đang xử lý.....

Bộ Thông tin và Truyền thông: Đôn đốc, hướng dẫn triển khai Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT  

Thực hiện Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử,...
Thứ Tư, 04/07/2018 2853
|

Thực hiện Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử, ngày 15/11/2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT nhằm mục đích nâng cao chất lượng cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước được tốt hơn phục vụ người dân và doanh nghiệp và áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tổng cục, Cục và cơ quan tương đương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan chuyên môn trực thuộc; Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức, cá nhân có liên quan. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2018.

Để việc triển khai Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT được thuận lợi, ngày 06/06/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành văn bản số 1778/BTTTT-THH gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc, hướng dẫn chi tiết một số nội dung triển khai Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra một số nội dung hướng dẫn chi tiết như sau:

1. Nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm: Đây là một nguyên tắc quan trọng, mang tính đột phá trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) hiện nay của các cơ quan nhà nước, nguyên tắc này được thể hiện cụ thể tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT. Theo nguyên tắc nêu trên, tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT, việc cung cấp DVCTT của cơ quan nhà nước phải bảo đảm “Những giấy tờ, thông tin liên quan đến người sử dụng đã cung cấp một lần thành công cho một cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thì vẫn chính những giấy tờ, thông tin đó, nếu còn giá trị sử dụng theo quy định, không phải cung cấp lại khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau cho chính cơ quan nhà nước đó. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan thuộc, trực thuộc thì các giấy tờ, thông tin này không phải cung cấp lại khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau cho cơ quan thuộc, trực thuộc khác của bộ, tỉnh đó”.

2. Cung cấp biểu mẫu điện tử:

- Cung cấp biểu mẫu điện tử không tương tác: Đối với DVCTT mức độ 2, tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT quy định “Cung cấp đầy đủ các biểu mẫu điện tử không tương tác và cho phép người sử dụng tải về để khai báo sử dụng”. Biểu mẫu điện tử không tương tác đã được định nghĩa tại khoản 7 Điều 3 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT, theo đó: "Biểu mẫu điện tử không tương tác là biểu mẫu của thủ tục hành chính (mẫu đơn, mẫu tờ khai) được định dạng và lưu trữ dưới dạng tệp tin điện tử để tải về và điền thông tin", định dạng của tệp tin điện tử được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT, trong đó áp dụng định dạng theo quy định tại mục Văn bản thuộc Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT (Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT thay thế cho Thông tư số 22/2013/TT-BTTTT và có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 ). Theo quy định, các tệp tin điện tử có định dạng .pdf, .doc, .docx, …vv. Một nội dung quan trọng trong DVCTT mức độ 2 các cơ quan cần thực hiện là: cơ quan phải chấp nhận Hồ sơ in từ biểu mẫu điện tử không tương tác sau khi khai báo theo quy định như đối với hồ sơ khai báo trên các biểu mẫu giấy thông thường (theo điểm c khoản 2 Điều 5 của TT 32/2017/TT-BTTTT).

- Cung cấp biểu mẫu điện tử tương tác: Đối với DVCTT mức độ 3, tại điểm b khoản 3 Điều 5 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT có quy định “Các biểu mẫu của dịch vụ được cung cấp đầy đủ dưới dạng biểu mẫu điện tử tương tác để người sử dụng thực hiện được việc khai báo thông tin, cung cấp các tài liệu liên quan (nếu có) dưới dạng tệp tin điện tử đính kèm và gửi hồ sơ trực tuyến tới cơ quan cung cấp dịch vụ”, theo đó Biểu mẫu điện tử tương tác (gọi tắt là e-Form) được định nghĩa đầy đủ tại khoản 8 Điều 3 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT…

3. Công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến: Đối với quy định công bố danh mục DVCTT trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 6 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT, khi thực thi cần lưu ý một số nội dung như: Mục DVCTT trên Trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử (sau đây gọi tắt là Cổng TTĐT) của các Bộ, Tỉnh phải được bố trí sao cho người sử dụng có thể dễ dàng nhìn thấy ngay khi truy cập vào; Danh sách các DVCTT phải được phân loại theo ngành, theo lĩnh vực, theo cấp hành chính và mức độ của dịch vụ, đồng thời cho phép người sử dụng có thể lựa chọn lọc theo một hoặc nhiều phân loại nêu trên để tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ mà mình mong muốn (quy định tại khoản 2 Điều 6); Tên của các DVCTT được công bố trên Cổng TTĐT phải được đặt trùng với tên của thủ tục hành chính tương ứng đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật (quy định tại khoản 3 Điều 6).

4. Đảm bảo việc trao đổi thông tin với người sử dụng trong quá trình thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4: Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT quy định DVCTT mức độ 3, mức độ 4 cần có các chức năng trao đổi thông tin giữa cơ quan cung cấp dịch vụ với người sử dụng trong quá trình thực hiện dịch vụ. Để thực thi đúng với quy định này, các cơ quan cung cấp dịch vụ cần lưu ý một số điểm như sau:

- Người sử dụng khi thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 muốn được biết các thông tin liên quan đến việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính mà mình đã đăng ký sử dụng. Do đó, ứng dụng DVCTT cần có chức năng cho phép người sử dụng theo dõi, kiểm tra việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (thực hiện điểm a khoản 1 Điều 9 của Thông tư).

- Để thuận tiện hơn cho người sử dụng trong quá trình thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4, ứng dụng DVCTT cần có chức năng thông báo tự động cho người sử dụng biết thông tin về việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9). Hình thức trao đổi thông tin với người sử dụng có thể được thực hiện thông qua chức năng thông báo ngay khi người sử dụng đăng nhập vào ứng dụng dịch vụ, hoặc thông qua thư điện tử, hoặc tin nhắn trên điện thoại di động, … hoặc kết hợp hai hoặc nhiều hình thức đã được quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT.

5. Yêu cầu đối với việc cung cấp DVCTT: Bảo đảm chất lượng cung cấp DVCTT và thuận tiện cho người sử dụng là một trong những yếu tố quan trọng trong nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm. Do đó việc thực thi đầy đủ, toàn diện các quy định tại Điều 11 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT là hết sức cần thiết.

Trong quá trình thực thi quy định này cần chú ý một số điểm sau đây: Tại mục DVCTT, cần thiết lập mục hỏi đáp, trong đó cung cấp các câu hỏi và câu trả lời thường gặp trong quá trình thực hiện cung cấp DVCTT để giúp người sử dụng có thể nhanh chóng tìm thấy những trường hợp vướng mắc và giải đáp vướng mắc mà mình đang gặp phải khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc sử dụng DVCTT. Các câu hỏi thường gặp cần được khảo sát, lựa chọn từ khi xây dựng dịch vụ và thường xuyên được lựa chọn, bổ sung từ các câu hỏi phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng dịch vụ; Yêu cầu đối với DVCTT mức độ 3, mức độ 4 nên thực hiện đầy đủ các quy định tại khoản 2 Điều 11 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT; Ngoài ra, các cơ quan cần rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ban hành các quy trình thực hiện thủ tục hành chính thống nhất để áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 1665/VPCP-KSTT ngày 13/02/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin một cửa điện tử.

6. Đánh giá sự hài lòng của người sử dụng đối với DVCTT mức độ 3, mức độ 4: Điều 12 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT quy định về đánh giá sự hài lòng của người sử dụng đối với DVCTT mức độ 3, mức độ 4. Việc thu thập đánh giá mức độ hài lòng của người sử dụng đối với các DVCTT mức độ 3, mức độ 4 do cơ quan nhà nước cung cấp giúp cho cơ quan cung cấp dịch vụ có thể nắm bắt nhu cầu, tâm lý của người sử dụng nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đối với cơ quan quản lý chuyên ngành thì đây là công cụ giúp cho việc đánh giá hiện trạng cung cấp DVCTT trong Bộ/ Tỉnh để từ đó có các biện pháp hỗ trợ hoặc tham mưu các chính sách nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT.

7. Sử dụng Giao thức truyền siêu văn bản an toàn (HTTPS): HTTPS (tên viết tắt của Hypertext Transfer Protocol Secure - Giao thức truyền siêu văn bản an toàn) là giao thức truyền dữ liệu an toàn được sử dụng rộng rãi trên mạng Internet. Các kết nối HTTPS thường được sử dụng cho các dịch vụ, giao dịch thanh toán trực tuyến và cho giao dịch cần an toàn trong các hệ thống thông tin. Theo quy định tại Điều 20 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT, tất cả các trang cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4 của cơ quan nhà nước phải sử dụng giao thức HTTPS để tăng cường bảo đảm an toàn cho truy cập DVCTT mức độ 3, mức độ 4. Do đó, đối với các ứng dụng cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4 cần triển khai và sử dụng HTTPS.

8. Hỗ trợ địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6, DNSSEC: Đối với quy định Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phải hỗ trợ địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6, DNSSEC tại Khoản 4 Điều 15 của Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT, các cơ quan triển khai như sau:

a) Hỗ trợ địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 phù hợp với lộ trình ứng dụng IPv6 theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6: (i) Trường hợp cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến sử dụng Hosting thuê ngoài, dịch vụ công nghệ thông tin thuê ngoài; (ii) Trường hợp cổng thông tin, dịch vụ công trực tuyến do cơ quan tự quản lý (tại trung tâm tích hợp dữ liệu hoặc hệ thống IDC của bộ, tỉnh/thành phố); (iii) Quý cơ quan lưu ý tham khảo Tài liệu hướng dẫn triển khai IPv6 dành cho cơ quan Đảng, Nhà nước của Trung tâm Internet Việt Nam - Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia để xây dựng kế hoạch triển khai IPv6 phù hợp. Tài liệu này đã được đăng tải trên Website: https://vnnic.vn.

b) Triển khai DNSSEC cho tên miền của Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Đề án triển khai tiêu chuẩn DNSSEC cho hệ thống máy chủ tên miền (DNS) “.vn” (sau đây gọi tắt là Đề án 1524): Theo Đề án 1524, hiện tại hệ thống DNS quốc gia, hệ thống quản lý tên miền quốc gia đã triển khai sẵn sàng, bảo đảm hoạt động an toàn, tin cậy theo tiêu chuẩn DNSSEC. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn từ năm 2018 trở đi sẽ triển khai DNSSEC ở các máy chủ tên miền cấp dưới như hệ thống DNS của các ISP, các Nhà đăng ký tên miền, các đơn vị cung cấp dịch vụ DNS Hosting, cơ quan Đảng, Nhà nước, chủ thể đăng ký sử dụng tên miền “.vn”. Trong đó, khối cơ quan Đảng, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện triển khai DNSSEC cho tên miền của Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Quý cơ quan có thể tham khảo tài liệu hướng dẫn triển khai DNSSEC của Trung tâm Internet Việt Nam. Tài liệu này đã được đăng tải trên Website: https://vnnic.vn

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc góp ý, trao đổi, Quý cơ quan xin gửi ý kiến về Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông theo địa chỉ: Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, 18 Nguyễn Du, Hà Nội; bản mềm xin gửi về địa chỉ: aita@mic.gov.vn, lqhung@mic.gov.vn (đ/c Lê Quốc Hưng, điện thoại: 0936366056).

Toàn văn Hướng dẫn một số nội dung cơ bản về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 xem tại đây.

 

Trần Thị Duyên